Mặn mòi khô cá sặc rằn Khánh An

Từ lâu, huyện đầu nguồn An Phú nức tiếng với các loại khô nước ngọt được thực khách nhiều nơi ưa thích. Trong đó, khô cá sặc rằn xã Khánh An đã khẳng định được thương hiệu, trở thành món ăn đặc sản “khó quên” của vùng đất biên giới xa xôi này.

Từ lâu, huyện đầu nguồn An Phú nức tiếng với các loại khô nước ngọt được thực khách nhiều nơi ưa thích. Trong đó, khô cá sặc rằn xã Khánh An đã khẳng định được thương hiệu, trở thành món ăn đặc sản “khó quên” của vùng đất biên giới xa xôi này.

Vốn được xem là “xứ cá” trong quá khứ nên nói về khô thì khó nơi nào trong tỉnh bì kịp huyện đầu nguồn An Phú. Trong sự hào phóng của “mẹ thiên nhiên”, cái xứ đầu nguồn này lại là nơi đầu tiên đón luồng cá về mỗi mùa nước đổ. “Đó là câu chuyện của hai mươi năm trước, khi con nước lũ thỏa sức tung hoành khắp các cánh đồng biên giới. Cá nhiều đến nỗi người ta ăn không hết phải làm khô, làm mắm. Khô thời đó chủ yếu chỉ để ăn trong gia đình, mấy khi người ta mang ra chợ bởi nhà nào cũng có. Chỉ khoảng chục năm nay, con cá nước ngọt bắt đầu hiếm thì các loại khô mới được “lên hương” như bây giờ!” - ông Nguyễn Văn Mịch, người dân xã Quốc Thái (An Phú), cho biết.

Bởi nguồn cá tự nhiên không còn dồi dào nên người dân phải sử dụng đến cá nuôi để làm khô. Tuy được làm từ cá nuôi nhưng phẩm chất khô sặc Khánh An lại khá thơm ngon. Là người thuộc lớp người đầu tiên “bén duyên” với nghề chế biến khô sặc rằn, ông Lâm Văn Suộl (người dân xã Khánh An) nhớ lại: “Nghề làm khô cá sặc đã phát triển hơn 15 năm nay.  Hồi trước, không có nhiều hộ theo nghề này bởi giá trị khô sặc chưa cao. Mãi đến khi nhu cầu thị trường tăng vọt, nhiều người mới bắt đầu “mê” khô sặc. Dần dần, nghề làm khô đã phát triển như hiện nay, trở thành nguồn sống của nhiều người dân trong ấp An Hòa”.

Với nhiều người, khô cá sặc rằn Khánh An đã trở thành món quà quý của miệt đầu nguồn. Cái vị mặn mòi rất dân dã quyện cùng hương vị đậm đà của khô sặc rằn Khánh An gợi lên nổi nhớ về quá khứ, về những bữa cơm giản dị ngày ấu thơ trong lòng thực khách. “Khô Khánh An ngon ở chỗ mặn vừa, thịt mềm mà lại thơm. Người ta có thể nướng, chiên hay hấp sơ qua để ăn, cầu kỳ nữa thì dùng nấu canh chua là bá cháy! Có lẽ khô sặc Khánh An ngon nhất là ăn với cơm nguội, bởi khi ấy người ta mới cảm nhận hết cái hương vị mặn không trộn lẫn với bất cứ loại khô nào” - ông Suộl cho hay.

Để khô mặn vừa, người ta phải làm cá thật sạch rồi cho ướp đá trong khoảng thời gian ngắn, bước tiếp theo là ướp muối rồi mang đi phơi nắng. Tùy vào nhu cầu thị trường mà cá được phơi “một nắng” hay “hai nắng”. Theo nhiều hộ có kinh nghiệm, khô sặc rằn Khánh An ngon nhất là khi phơi “một nắng” bởi thịt mềm và hương vị đậm đà.

Về nguồn nguyên liệu, làng khô sặc Khánh An trước kia chủ yếu “nhập khẩu” cá sặc rằn từ Thái Lan. Hiện nay, nguồn cá nguyên liệu được nuôi khá dồi dào tại một số tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Tiền Giang nên những người theo nghề làm khô sặc cũng giảm được nhiều chi phí. Mặt khác, cá nuôi trong nước có kích cỡ khá đều, ít lẫn cá đực (do cá đực có kích thước nhỏ) nên chất lượng khô theo đó tăng lên. “Mùa làm khô sặc kéo dài từ tháng 8 âm lịch đến tháng Chạp. Khi đó, mỗi ngày giàn khô của tui tiêu thụ 5 - 7 tấn cá. Hiện nay, do sái mùa nên độ 10 ngày mới nhập về 2 - 3 tấn cá nguyên liệu” - ông Suộl nói thêm.      

Với mong muốn phát triển thương hiệu khô sặc rằn Khánh An, ông Lương Văn Lùng, một hộ làm khô “kỳ cựu” tại Khánh An, đã thành lập Công ty TNHH MTV Thái Lợi nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng khắp nơi loại đặc sản miền biên giới này. Nhờ những người tâm huyết như ông Lùng mà con khô sặc rằn Khánh An đã vươn xa đến nhiều thị trường tiềm năng, như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu... Đây là tín hiệu tích cực, giúp cho đời sống những người dân làng khô dần cải thiện hơn. Với vị ngon đặc trưng, con khô cá sặc rằn Khánh An đã tìm được chỗ đứng trong lòng thực khách. Mong rằng trong tương lai, loại đặc sản đồng quê này sẽ còn tiếp tục vươn xa, mang đến cuộc sống khấm khá hơn cho những hộ dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn này.

Bình luận của bạn