Mát lòng với chè bưởi La San - Cần Thơ

Chè Bưởi La San không dễ chế biến và nó có hương vị rất đặc biệt. Chén chè phải trong suốt, lơ lửng trong đó là những hạt đỗ xanh còn màu vàng óng nguyên sinh. Khi ăn, người ta cảm nhận được những hạt đỗ xanh tan bùi trong miệng, vị dai giòn của cùi bưởi và béo ngậy của cốt dừa cùng hương vị của trái bưởi đọng lại thành dư vị ngọt mát của hương hoa đồng nội.

Chè bưởi La San Cần Thơ, hình ảnh của bàn tay vén khéo và mẫn cảm của những người phụ nữ miệt vườn, hương vị của nền văn hóa miệt vườn Nam Bộ. 

Nét dịu dàng xinh đẹp của các cô gái Ninh Kiều, Phong Điền, Mỹ Khánh, cùng với khung cảnh thiên nhiên vẫn còn dáng vẻ nguyên sơ, ngút ngát xanh bởi những khu vườn của một miền đầy hoa trái quanh năm đã không chỉ hút hồn những nam nhi tài tử đất Đô thành mà nó còn mời gọi nhiều người về đây lập nghiệp.Trong dòng chảy của thời gian và con người hồi ấy về Ninh Kiều lập nghiệp có cụ ông Trần Quy và cụ bà Huỳnh Thị Hai. Về đây, Ông bà đã kiến lập nên một cơ ngơi hàng chục héc ta vườn cây ăn trái đủ loại ở gần bến Ninh Kiều.

Qua những lần tham gia nấu cỗ, bóc bưởi làm món tráng miệng, khi mùi thơm mát mềm mại từ cùi bưởi tỏa ra mang hương vị của đồng nội hấp dẫn cả khứu giác và vị giác, cụ đã nghĩ ra và nấu thử cùi bưởi với đường cát để làm thành món chè. Cụ Hai đã nghĩ cách tẩy hết vị đắng của cùi bưởi và thêm vào nồi chè những hạt đỗ xanh xay vỡ đem ngâm tách vỏ cùng với loại bột “năng” tạo ra sự kết dính trong suốt. Chén chè bưởi được hình thành qua nhiều lần thử nghiệm như vậy. Từ đó, trong những bữa tiệc lễ tết, hội hè, bên mâm cơm thịnh soạn còn có thêm món chè bưởi tráng miệng mang hương vị ngọt ngào của miệt vườn đồng nội Cần thơ. Dần dà, chè bưởi được nhiều người ưa chuộng, nó được đem dùng riêng để đãi khách khứa, bầu bạn trong mọi lúc.

Thấy nhu cầu thụ hưởng cao, cụ Hai đã mở một quán lá bán chè bưởi ở Ninh Kiều, thị xã Cần Thơ. Thoạt đầu, quán chè bưởi không có bảng hiệu, cũng không có tên. Quán được dựng ngay trên đất gia cư cạnh một ngôi trường học của các vị thầy dòng La-san Cơ đốc giáo. Ngôi trường khá nổi tiếng nên người Cần Thơ không ai là không biết. Quán đông khách và luôn trở thành điểm hẹn của nhiều người. Khách ở Cần Thơ gọi địa chỉ này là quán “Chè bưởi La San”, lâu dần thành quen. Người ở nơi xa cũng theo đó gọi tên quán là “Chè bưởi La San Cần Thơ”.

Các đám giỗ tết, tiệc cưới…khách đến tại nhà đặt hàng ngày càng nhiều thêm nên Cụ Hai đã mở thêm nhiều quán khác trong thị xã cùng một tên hiệu La San cho con cái trong nhà làm chủ. Nghề nấu chè Bưởi trở thành nghề gia truyền của Cụ Hai Cần Thơ. Thập niên 60 và đầu thập niên 70 thế kỷ trước, chè Bưởi La San Cần Thơ không chỉ có mặt khắp trong thị xã mà còn được mở hiệu ở Sài Gòn và một vài tỉnh như An Giang, Bến Tre. Những năm phát đạt ấy, việc chế biến và quản lý kinh doanh được Cụ Trần Quy và cụ Huỳnh Thị Hai trao truyền cho con trai là Trần Nghiệp và con dâu là Nguyễn Thị Bông. Ông bà Trần Nghiệp và Nguyễn Thị Bông đã tiếp thu sự truyền nghề và kế tục xứng đáng với người lớp trước. Thêm hàng loạt cửa hiệu được xây dựng mới với biển hiệu và đồ đựng, bao bì được đặt theo mẫu riêng. Chè Bưởi La San được khẳng định trong danh mục đặc sản món ngon Nam Bộ.

Trải qua những biến đổi và phát triển, nhà đã có số, đường phố được xây dựng mở rộng và được đặt tên. Quán lá chè bưởi xưa giờ không còn, thay vào đó là số nhà 175, đường 30 tháng Tư, phường Hưng Lợi,quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ. Trường Lasan, sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) được lấy làm trường Cao đẳng Sư phạm, nay là Đại học Cần Thơ. Chè Bưởi bây giờ được bán ở nhiều nơi, khắp cả ba miền đất nước và còn theo những người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra thế giới.

Chè Bưởi La San không dễ chế biến và nó có hương vị rất đặc biệt. Chén chè phải trong suốt, lơ lửng trong đó là những hạt đỗ xanh còn màu vàng óng nguyên sinh. Khi ăn, người ta cảm nhận được những hạt đỗ xanh tan bùi trong miệng, vị dai giòn của cùi bưởi và béo ngậy của cốt dừa cùng hương vị của trái bưởi đọng lại thành dư vị ngọt mát của hương hoa đồng nội. Có một nhà văn từng nói “nghề chơi cũng lắm công phu”, điều ấy cũng đúng với nghệ thuật ẩm thực vậy. Đã là đặc sản trong ẩm thực thì nó chỉ được hình thành trên những vùng đất rất riêng. Đôi khi còn là cơ duyên nên những bàn tay và khối óc tảo tần, chịu thương chịu khó và sự thông tuệ của con người mới tạo ra. Chè Bưởi La San Cần Thơ của Cụ Huỳnh Thị Hai là một món ngon như vậy.    

Bình luận của bạn