Món canh cá nấu lá vón vén ở bản Thái
Mới sáng đến cơ quan làm việc, một anh đồng nghiệp cùng phòng vừa đi công tác về đưa cho tôi một túi rau và bảo “quà cho cô đấy”. Lúc mở túi ra tôi thấy có mấy loại rau rừng mà trong đó có cả thứ rau mà tôi mới chỉ một lần được ăn, đó là lá vón vén.
Còn nhớ, cũng vào thời điểm này của mấy năm trước tôi có dịp đi thực địa tại tỉnh Sơn La và ở trong bản làng của người Thái. Một hôm, vào sáng sớm tôi theo chân những người phụ nữ của bản lên rừng hái rau. Hồi đó, ngoài những loại rau như rau dớn, măng ngọt, măng đắng… thì tôi thích thú nhất là hái lá vón vén.
Vón vén là loài cây dạng thân leo được mọc thành bụi, quấn lên các cây khác trong rừng. Quan sát kỹ sẽ thấy thân cây có màu hơi tía, lá có hình bầu dục, mặt trên lá xanh bóng, mặt dưới màu trắng bạc. Khi hái, lá vón vén tuôn ra rất nhiều nhựa trắng như sữa ở cuống lá mà nếu lỡ tay chạm phải thì rất dính tay.
Khi chúng tôi mải miết tìm và hái rau rừng thì mặt trời cũng đã lên cao và cũng là lúc chúng tôi phải trở về bản để chuẩn bị bữa cơm trưa. Do trời mùa hè nóng bức, các chị bảo sẽ nấu một món canh chua cho tôi ăn thử mà loại rau dùng để nấu chua chính là lá vón vén. Lá vón vén nấu canh chua thường được các chị trong bản nấu với cá.
Sẵn có con cá suối mà nhà các chị vừa bắt được tối qua, tôi mang ra rửa, làm sạch, cắt thành từng khúc, cho vào tô ướp với một ít muối, mì chính cho ngấm gia vị. Lá vón vén được rửa sạch để cho ráo nước rồi dùng tay bóp nát. Trong lúc đợi cá ngấm gia vị, các chị đã bắc một nồi nước lên bếp rồi cứ thế hướng dẫn cho tôi cách nấu.
Tôi làm theo hướng dẫn của các chị, khi nước đã sôi, mới trút cá vào và không quên cho thêm vài lát gừng để loại bỏ mùi tanh của cá. Nồi cá được hầm cho chín nhừ, nước canh có vị ngọt thì cho tiếp lá vón vén vào đun thêm vài phút cho vị chua của lá hòa vào nước canh, nêm thêm chút mắm muối cho đậm đà rồi bắc nồi xuống và múc canh ra tô.
Khác hẳn với các loại rau khác, lá vón vén khi được cho vào nấu canh lúc nào cũng chuyển từ màu xanh sang màu úa vàng. Có lẽ do vị chua của lá thôi hết ra canh chăng? Nhưng thật tuyệt vời khi canh cá lá vón vén có vị chua dịu, ăn lá có vị bùi bùi sần sật, tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt. Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức sẽ rất khó để quên hương vị của loại cá suối nấu cùng rau vón vén này.