Ngon nổi tiếng khô rắn nướng An Phú
Ở An Giang, có nhiều loại thịt khô như khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá chạch… nổi tiếng nhất là khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông (thuộc huyện An Phú, An Giang). Khô rắn nơi đây nổi tiếng khắp cả vùng và là thức quà cho người thân, bạn bè.
Hôm nay chúng mình cùng tìm hiểu về món rắn khô của An Giang nhé. Bạn nào sợ rắn thì cũng không lo vì món ăn này cực ngon, ngon đến nỗi mà các bạn chỉ muốn ăn hoài và quên mất nó được làm từ… rắn.
Ở An Giang, có nhiều loại thịt khô như khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá chạch… nổi tiếng nhất là khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông (thuộc huyện An Phú, An Giang). Khô rắn nơi đây nổi tiếng khắp cả vùng và là thức quà cho người thân, bạn bè.
Thường thì vào mùa nước nổi, rắn ở đây nhiều vô số kể, không chỉ cư dân vùng biên mà cả người dân Campuchia cũng theo nhau săn rắn. Để bảo quản lâu hơn thịt rắn, nhiều chủ vựa rắn đã sáng tạo ra cách làm sạch rắn rồi đem phơi khô. Rắn được chọn chế biến khô thường là rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá…
Lúc đầu, người ta chỉ làm để ăn, sau đó thì giới thiệu đến nhiều người nếm thử và hầu hết họ đều thấy khô rắn rất ngon và lạ miệng.
Để làm khô rắn, trước hết phải lọc lấy phần thịt và xương rắn riêng biệt chỉ để lại thịt rắn. Mang thịt rắn đi ướp một ít muối, gia vị vào thịt rắn sau đó đem ép mỏng và phơi qua vài lần nắng (ít nhất là trong ba ngày) để thịt rắn khô hơn. Tuy nhiên để thịt khô rắn ngon thì việc phơi phải đảm bảo kỹ thuật để thân ngoài của rắn tuy ráo hẳn, nhưng bên trong thịt vẫn phải còn tươi. Trong quá trình phơi, thịt sẽ rút bớt nước, bớt mùi tanh và chín ở dạng tái.
Khô rắn phải được nướng trên lửa than liu riu mới ngon. Khi nướng, lửa cần vừa phải để hơi nóng làm thịt chín cả trong lẫn ngoài, tỏa mùi thơm ngọt tự nhiên. Khi thịt chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên là có thể ăn được.
Các bạn nên dùng khô rắn kèm với dưa leo, xoài sống, cóc non và chấm với tương ớt và cảm nhận món đặc sản mà chỉ ở những nơi miền sông nước như An Giang mới có.
Ngoài món nướng, các bạn có thể chế biến thành gỏi bằng cách xé nhỏ miếng khô đã chín, trộn với bưởi hoặc dưa leo, với nước tương và ớt vừa ăn, có thể cho thêm ít rau mùi cắt nhuyễn trộn chung để tạo mùi. Còn nếu các bạn thích ăn béo thì còn có thể cho khô rắn (đã được ướp nước mắm trước đó) vào chảo dầu để chiên phồng lên.
Ăn khô rắn ở đâu?
Xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi chuyên sản xuất khô rắn; các bạn muốn thưởng thức món ăn này thì hãy ghé qua nhé.