Ngọt ngào đường phên Phục Hòa
Ai đã từng ghé qua xã Hòa Thuận, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hẳn không thể quên được thứ sản vật mang vị ngọt đậm đà của một vùng quê bình dị nhưng lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống – đường phên Phục Hòa.
Ai đã từng ghé qua xã Hòa Thuận, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hẳn không thể quên được thứ sản vật mang vị ngọt đậm đà của một vùng quê bình dị nhưng lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống – đường phên Phục Hòa.
Nghề làm đường phên đã có từ lâu đời, và cho đến nay, nó vẫn là một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con nông dân trong huyện. Điều đáng quý là từ khâu chuẩn bị nguyên liệu (như trồng, chăm sóc mía) cho tới chế biến (nấu, đổ khuôn), tất cả đều được người dân tự tay thực hiện, tuy không sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại nhưng đường phên Phục Hòa vẫn đảm bảo chất lượng, thậm chí còn hỗ trợ đắc lực cho nghề nấu rượu mía.
Vào mỗi dịp cuối năm, mía lại vào mùa thu hoạch chính. Từ các ngả đường, mía theo những chuyến xe ô tô, xe bò nặng trĩu kĩu kịt thi nhau kéo về Nhà máy mía đường Phục Hòa. Và đây cũng là dịp để cho các lò đường phên truyền thống của người Phục Hòa nổi lửa.
Phương thức làm đường phên không mấy phức tạp. Mía được đưa về nhà, cho vào nghiền lấy nước. Nước mía được cho vào nồi đun sôi đến khi cô lại đặc quánh như mật. Khi mật đã đến độ đặc cho phép, người ta đổ ra một chiếc khuôn hình vuông và dàn đều trên bề mặt, khoảng 20 - 30 phút, mật mía nguội đi đóng thành một tảng đường lớn có thể dùng dao hoặc tay bẻ thành từng miếng, vậy là đã thành thứ đường phên ngọt đậm đà.
Đường phên có vị ngọt đậm xen lẫn vị ngậy béo nên thường được người dân dùng làm bánh, kẹo hoặc nấu chè. Đến Phục Hòa, du khách ai cũng tìm mua một ít đường phên làm quà để nhớ mãi vị ngọt đậm đà của thứ đường dân dã và bình dị ở nơi đây./.