Nhớ hoài bún tôm đầm Châu Trúc

“Rủ nhau mua tép Trà Ô/ Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về”... Câu ca dao xưa đã nói hết sự phong phú của tôm (tép), một đặc sản riêng có của đầm Châu Trúc (còn gọi đầm Trà Ổ) nằm trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) - một trong những đầm nước ngọt lớn nhất Việt Nam.

“Rủ nhau mua tép Trà Ô/ Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về”... Câu ca dao xưa đã nói hết sự phong phú của tôm (tép), một đặc sản riêng có của đầm Châu Trúc (còn gọi đầm Trà Ổ) nằm trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) - một trong những đầm nước ngọt lớn nhất Việt Nam.

Ngày nay, với con tôm đầm nổi tiếng này, người Châu Trúc chế biến thành một món ăn đơn giản, mộc mạc nhưng ai đã một lần thưởng thức thì cứ vương vấn mãi. Đó là bún tôm Châu Trúc.

Muốn chế biến bún tôm phải có hai thứ nguyên liệu cơ bản là tôm và bún gạo. Tôm dùng làm bún phải là những con tôm vừa đánh bắt từ dưới đầm lên, còn sống, nhảy tanh tách. Nếu phải chuyển đi xa thì cũng phải cố giữ cho tôm tươi sống. Tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu, đuôi, cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với vài củ hành tươi và các gia vị như bột ngọt, tiêu, ớt…

Khâu làm bún thì phức tạp hơn, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên phải chuẩn bị trước nguyên liệu bột gạo. Tại các quán bún đều có sẵn bộ ba khuôn, bàn ép và nồi luộc bún. Khuôn ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy săm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Khuôn được lắp vào bàn ép đặt phía trên nồi nước luộc bún.

Người bán bún ép bún từ khuôn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc đang sôi. Chừng một phút, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là bún chín. Dùng rá tre vớt bún từ nồi luộc, xóc sơ qua trong nước nguội, sau đó để vào rổ cho ráo nước.

Khách đến ngồi yên vị trên ghế, người bán mới bắt đầu chế biến. Đầu tiên, dùng chiếc muỗng nhỏ múc một muỗng thịt tôm đã giã nhuyễn cho vào bát, thêm chút bột ngọt, nước mắm, rồi múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều lên. Sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút bột tiêu.

Cảm nhận đầu tiên khi nhìn thấy tô bún tôm là sự hài hòa về màu sắc. Thanh bạch chứ không màu mè, dầu mỡ. Chính vì không dính dáng đến chút dầu mỡ nào nên bún tôm không ngấy, dễ dàng “hòa đồng” với tất cả các “gu” khẩu vị của thực khách.

Bưng tô bún tôm bốc khói, người ăn có thể cho thêm chút muối ớt, chút nước mắm nhỉ, dầm trái ớt xanh hoặc thêm xíu ớt bột. Bún tôm thường đi kèm bánh tráng nướng giòn rụm. Ai thích ăn kèm thì cứ việc bẻ vụn bánh tráng bỏ vào tô bún, không thì thôi. Và cứ vậy, xì xụp húp. Ăn no căng bụng mà miệng vẫn cứ thòm thèm…

Trên quốc lộ 1 đoạn đường từ thị trấn Phù Mỹ đến giáp huyện Hoài Nhơn có rất nhiều quán bún tôm. Quán tường rêu ám khói, ba bề trống hoác, chỉ vài bộ bàn gỗ, ghế dài cũ kỹ nhưng lại rất đông khách. Dân địa phương chuộng bún tôm vì hợp khẩu vị, giá lại rẻ. Chỉ 5.000 đồng/tô (kèm bánh tráng) là có thể “dỗ êm” cái dạ dày qua một buổi sáng.

Khách từ xa đến nếu từng biết đến bún tôm thì “để dành bụng” suốt quãng đường dài, ăn liền lúc hai, ba tô bún, bụng no căng mà vẫn thấy thòm thèm. Người chưa từng biết giờ được giới thiệu, sau khi ăn thử bao giờ cũng xuýt xoa phần vì bún ngon, hợp khẩu vị, phần vì được cô chủ quán hiếu khách mời chào đon đả…

Người Châu Trúc “khai sinh” ra bún tôm và mang nó đi khắp nơi trong hành trình mưu sinh của mình. Nhưng cũng con tôm đầm, cũng bún gạo, cũng cách chế biến “dễ như làm bún” mà không phải người Châu Trúc làm thì tô bún ăn không thấy ngon.

Trước kia, bún tôm chỉ bán vào buổi sáng vì làm bún phải trải qua nhiều khâu, rất cực. Giờ các khâu làm gạo đều do máy làm nên đơn giản hơn. Và có lẽ do nhu cầu ăn uống nên người ta bán vào cả buổi chiều. Đến ngã ba thị trấn Bình Dương, nếu chịu khó vào chợ, sáng, trưa hay chiều lúc nào cũng có bún tôm để thưởng thức.

Bình luận của bạn