Nuôi cá hồi ở Sa Pa
Một loại cá chỉ có ở châu Mỹ, châu Âu, sống trong môi trường "nước động", nhiệt độ thấp, thường ngược dòng để đẻ trứng rồi... tự chết. Đó là cá hồi vân (còn gọi là cá hồi ráng) giờ được nuôi ngay dưới chân "nóc nhà Đông Dương" - đỉnh Phanxipăng, tại thác Bạc, huyện Sa Pa (Lào Cai)...
Một loại cá chỉ có ở châu Mỹ, châu Âu, sống trong môi trường "nước động", nhiệt độ thấp, thường ngược dòng để đẻ trứng rồi... tự chết.
Đó là cá hồi vân (còn gọi là cá hồi ráng) giờ được nuôi ngay dưới chân "nóc nhà Đông Dương" - đỉnh Phanxipăng, tại thác Bạc, huyện Sa Pa (Lào Cai)...
Dưới chân thác Bạc (độ cao 1.700m), một dãy nhà mái tôn đơn sơ dựng lên. Gần chục chiếc bể nhỏ đường kính 2-5m được đặt trong dãy nhà. Ba bể lớn đường kính 10-15m phía ngoài và tiếp theo là ba cái “ao nhân tạo” (đào đất và lót nilông, mái lưới...) lớn hơn cứ nối tiếp nhau theo kiểu ruộng bậc thang. Rồi gần 1.000m đường ống dẫn nước từ thác Bạc về trại. Du khách thắc mắc, người Mông ở Sa Pa thì tò mò, ai cũng bảo đúng là ngược đời, ai lại đưa cá ở đâu đâu về nuôi trên núi đá...!
Thế nhưng vào những ngày đầu xuân 2006, đúng một năm sau khi dự án nuôi cá hồi được khởi động, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (VNCNTTS1) Bộ Thủy sản, chính thức thông báo: dự án nuôi cá hồi tại VN đã thành công. Những con cá được nuôi trong nguồn nước lấy từ đỉnh những ngọn núi cao nhất VN.
Ăn ngủ cùng cá hồi
Có lẽ thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn - VNCNTTS1, phụ trách kỹ thuật của trại - đã “đắm say” với con cá hồi. Sau hơn một năm, anh vẫn nhớ như in tất cả những gì liên quan đến trại cá, quá trình ấp nở, lớn lên của con cá hồi. Không cần sổ sách, anh vanh vách kể: ngày 21-1-2005, lô hàng 25.000 trứng cá Hồi được nhập và chuyển đến Sa Pa. Trong vòng một tuần sau đó, trứng đã nở với tỉ lệ cao không ngờ, trên 90%. Ngày 8-2-2005, trại tiếp tục nhập thêm 25.000 trứng và tỉ lệ nở đạt 97%.
Thạc sĩ Thìn ví việc nuôi cá vất vả hơn nuôi con mọn. Gần chục chuyên gia, kỹ thuật viên, nhân viên trại cá như bà đỡ đã thật sự ăn ngủ và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cá hồi. Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Trọng (kỹ sư công nghệ sinh học), phụ trách môi trường, cho biết cá hồi chỉ sống ở nước trong sạch, nhiệt độ không quá 150C, nước phải luôn “động”, oxy trong nước phải đạt đúng chỉ số cho phép.
Chỉ cần một trong các yếu tố trên thay đổi, cá sẽ “phơi bụng, lập lờ nổi hết”. Chính vì điều kiện nuôi ngặt nghèo như thế, gần chục kỹ thuật, nhân viên, thậm chí huy động cả bảo vệ, phải chia ca túc trực bên bể cá trong suốt một năm qua. Mọi người không có khái niệm nghỉ ca bởi sẽ được huy động “cứu cá” bất kể lúc nào. Hơn nữa tất cả đều là người dưới xuôi lên núi tình nguyện “ba cùng” với trại cá bằng tình yêu khoa học chứ không phải vì đồng lương...
Có những đêm mưa trời Sa Pa rét cắt da cắt thịt nhưng người canh cá vẫn phải thức, cứ nửa tiếng, một giờ lại vác đèn leo núi gần một cây số dọc đường ống, ngược lên thác để kiểm tra có rác, lá cây trôi vào đường ống hay không. “Chỉ cần rác làm tắc ống, không kịp khắc phục thì 15-20 phút là cá nguy to.
Đã bị một lần như thế, mưa làm tắc ống 15 phút làm hàng ngàn con cá con chết uổng”. Còn hằng ngày, nhất là khi nước trong bể “nóng” lên 160C, anh em ca trực liên tục đo nồng độ oxy trong bể, vận hành các máy sục khí, dàn mưa..., tất cả đều làm thủ công.
Cá hồi sẽ bơi về... Đà Lạt
Hiện đã có một số nơi xin được chuyển giao và khá thành công trong việc nuôi cá hồi. Công ty TNHH Thiên Hà (Lào Cai) đã xây dựng trang trại gần thác Bạc và mua lại của trại 14.000 cá hồi con. Sau gần nửa năm nuôi, tỉ lệ cá sống khá cao, giờ Thiên Hà cũng đã có cá thương phẩm bán ra thị trường.
Trung tâm Nghiên cứu thủy sản Lai Châu cũng mua lại 500 con về nuôi thử. Đặc biệt, theo PGS-TS Lê Thanh Lựu, viện trưởng VNCNTTS1, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý cấp đất, tạo mọi điều kiện “mời” viện xây dựng một số trại nuôi cá hồi ngay tại Đà Lạt.
Còn tại nơi sinh ra “cá hồi VN”, ông Hoàng Văn Long - phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lào Cai - cho biết tỉnh đánh giá việc nuôi cá hồi sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho địa phương. Tuy nhiên do kinh phí đầu tư khá lớn, kỹ thuật cao nên trước mắt tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nuôi cá hồi tại Lào Cai.
VnCharm
Nguồn: