Phát triển quế ngọc Thường Xuân
Sau 2 năm triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây quế bản địa, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã trồng mới khoảng 300ha quế.
Dự kiến trong 5 năm tới địa phương sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu.
Thường Xuân là một trong bốn vùng sản xuất quế truyền thống ở Việt Nam. Theo đánh giá, giống quế Trịnh Vạn xưa (ở khu vực "5 Xuân" của huyện) có hàm lượng tinh dầu cũng như giá trị y học cao hơn hẳn quế ở vùng khác. Các tài liệu lịch sử cũng ghi nhận, quế ngọc Thường Xuân là cống phẩm nạp về kinh thành hàng năm, từng vinh dự được vua Minh Mạng khắc trong bộ Cửu Đỉnh ở cung đình Huế.
Vì lẽ đó, từ xa xưa cây quế luôn được người dân bản địa xem như báu vật không thể tách rời. Những năm 80 của thế kỷ trước, người người trồng quế, nhà nhà trồng quế, cả huyện Thường Xuân có cả ngàn ha quế. Sau đó, vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều hộ chỉ tận dụng khai thác mà không chú trọng việc trồng mới, khiến cho diện tích quế bị hao hụt.
Để khắc phục tình trạng trên, giai đoạn 1991 - 1995 UBND huyện Thường Xuân đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng lại được 250ha, sau đó nhân rộng lên 700ha vào năm 2000. Thế nhưng khi giá quế giảm, bà con lại chuyển sang trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày…
Nhằm phát triển bền vững vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho người trồng quế, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc Thường Xuân, giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Đề án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó từ năm 2015 - 2020 tiến hành trồng tập trung 1.375,3ha, từ 2021 - 2025 trồng mới thêm 374ha, triển khai trên địa bàn 17 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân. Tổng kinh phí thực hiện là 110.625,3 tỷ đồng.
Để kích cầu sản xuất, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như bảo tồn cây giống; trồng mới; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ phát triển cơ sở chiết xuất tinh dầu.
Đánh giá về tiến độ của dự án, ông Lê Hoàng Cường, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân khẳng định, sau 2 năm toàn huyện đã trồng mới được 300ha quế, nếu duy trì được tốc độ này thì trong 5 năm tới Thường Xuân sẽ đáp ứng được nguồn nguyên liệu.
Xuyên suốt quá trình thực hiện, BQL dự án quế Thường Xuân đã tích cực đấu mối với các đơn vị nghiên cứu, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng phối hợp triển khai có hiệu quả. Xét từ yêu cầu thực tế, vừa qua Sở KH-CN Thanh Hóa xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý, để cây quế Thường Xuân trở thành 1/50 sản phẩm đặc sản của Việt Nam được bảo hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh quế Thường Xuân, muốn bảo tồn và phát triển cây quế ngọc, nhất thiết phải thay đổi tư duy, cách thức vốn đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ của bà con. Bởi họ không mặn mà trồng quế vì chu kỳ sản xuất kéo dài. Tuy nhiên, nếu biết xoay vòng đồng vốn, lấy ngắn nuôi dài thì trồng quế mang lại lợi ích bền vững hơn so với các loại cây lâm nghiệp khác. Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ để mọi người hiểu rõ giá trị thực tế của quế.
Về định hướng phát triển, thời gian tới Hội Sản xuất kinh doanh quế Thường Xuân sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu là thu hút trên 60% người trồng quế tham gia; chia sẻ kinh nghiệm về nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với các địa phương có truyền thống (Nghệ An, Quảng Nam, Yên Bái…) và phát triển thương hiệu.