Rêu suối – Món ăn nặng tình tây bắc
Người Thái từ lâu đã coi rêu là một loại món ăn ngon. Mùa rêu mọc, cả bản Thái cùng ra suối lấy rêu về phơi khô ăn dần hoặc chế biến thành món ăn truyền thống, đặc biệt là trong các lễ hội, cưới hỏi, làm nhà mới…
Người Thái từ lâu đã coi rêu là một loại món ăn ngon. Mùa rêu mọc, cả bản Thái cùng ra suối lấy rêu về phơi khô ăn dần hoặc chế biến thành món ăn truyền thống, đặc biệt là trong các lễ hội, cưới hỏi, làm nhà mới…
Có ba món rêu chính: Rêu cui là loại rêu mọc trên đá hình sợi mầu xanh sẫm ở các dòng sông Nậm Mu, Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Mức, Nậm Po, Nậm Rốn…Phụ lưu của sông Đà ở Điện Biên. Rêu cay là loại rêu mọc rời rạc xanh đậm ở Nậm Mã, Nậm Khoai, Nậm Thi, Nậm He…của sông Mã ở Sơn La.
Rêu tau là loại rêu mảng ở các ao hồ hoặc khe suối không bám chặt vào đá, khi lượm chỉ cần dùng thanh tre, gạt rêu vào giỏ.
Theo người già thì rêu suối gắn liền với một câu chuyện tình rất bi thương của người Thái và sự tích về ngòi Thia, dòng suối lớn nhất của Mường Lò và Tây Bắc, lòng suối rộng đến 150 mét, nước quanh năm rào rạt.Thia theo tiếng Thái có nghĩa là nước mắt, và ngòi Thia chính là nước mắt của một cô gái Thái.
Chuyện kể rằng, có một đôi trai gái yêu nhau song cha mẹ không thuận, muốn gả cô gái cho một quan lang giàu có, hai người bèn trốn nhà lên núi.Quan lang sai lính đuổi theo, giết chnàg trai chặt đàu ném xuống vực, thân xác của chàng đã biến thành muôn vàn viên sỏi đá.
Cô gái đau đớn ngày đêm khóc lóc, nước mắt chảy thành dòng suối Thia, và rồi cũng trẫm mình biến thành rêu bám chặt lấy những viên sỏi đá. Nhìn nước ngòi Thia rẽ làm ba hướng, ngắm những đám rêu suối như mái tóc thanh xuân quấn chặt lấy những mỏm đá lởm chởm, ai nấy đều thương xót.
Từ ý nghĩa của câu chuyện, người Thái đã lấy rêu làm món ăn chính trong lễ cưới hỏi dân tộc thể hiện khát vọng tuổi trẻ, tình yêu, sự thủy chung, may mắn và hạnh phúc. Rêu ở ngòi Thia do đó cũng được xem là thơm ngon nhất ở Tây Bắc.
Với người Thái, rêu không ai gieo trồng mà tự mọc là một món quà trời cho không bao giờ cạn kiệt. Chỉ cần giữ gìn nguồn nước cho thật sạch, là rêu mọc rất tốt nhất là ở sông Đà, sông Mã.
Tùy từng đoạn suối mà rêu ngắn hay dài. Chúng bắt đầu mọc từ xuân hè và đạt độ dài nhất khoảng cuối năm trời lạnh giá. Mỗi đám rêu thường dài tới hai mét không khác mái tóc phụ nữ.
Rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay hoặc vợt nhẹ nhàng lựa theo dòng nước gạt từ ngọn tới rễ. Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của bà con.
Người dân chọn ngày đẹp trời, lúa thóc đầy bồ, cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Với tâm ý, rêu là của trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc, hái được ít sẽ có ít tài lộc nên ai cũng đi và hái rêu rất nhiều tích trữ ăn cả năm. Vừa hái vừa cười nói rôm rả.
Thậm chí nhiều người còn mang sẵn cả cơm cá rượu thịt, sáng hái rêu trưa nghỉ ăn cơm chiều lại hái tiếp. Không ít những buổi vui văn nghệ, những buổi hẹn hò, những chuyện tình chớm nở trong buổi chiều hái rêu.
Trong sắc nắng vàng như rải lụa, óng ánh trên mặt nước suối dài, hình ảnh cô gái Thái hiện lên như tiên nữ trong bộ áo com ngắn cài hàng cúc bướm bạc, khăn piêu, bộ xà tích bạc bên hông, da trắng, má đỏ hồng, nghiêng người xõa tóc, lấy tay vớt rêu rũ rêu thật duyên dáng.
Hái rêu là một công việc khá vất vả, và việc đập rêu loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Các đám rêu ngậm nước nhiều khi nhấc ra khỏ mặt nước nặng trĩu tay, phải để từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.
Sau đó là công đoạn đập, để những cục rêu lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất, phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên.
Rồi tỉ mỉ tẽ từng lớp rêu nhặt sạn đá rễ lá cây bị dính vào đó, và rửa thật sạch. Tất cả khoảng ba lần đập và ba lần rửa.
Rêu sạch được cắt thành đoạn có thể chỉ nhỏ bằng lóng tay, mà cũng có thể chỉ dài mấy centimét tùy theo chiều dài và yêu cầu của món ăn, được chế biến thành nhiều món như rêu nướng, nộm rêu, canh rêu tươi,…
Bởi cách làm lâu, nhiều công sức, các món ăn từ rêu được nhiều phị nữ Thái làm xen kẽ với các công việc gia đình. Việc chế biến rêu được xem là thước đo tình yêu tình thương của phụ nữ Thái dành cho người yêu người chồng người cha.
Trong các món rêu, rêu nướng – tau pho là món ăn đơn giản nhất. Rêu sạch cắt khúc, nêm gia vị, gừng, sả, tỏi , ớt, lá chanh, thìa là rồi bọc lá chuối, lá dong hỏ lửa túm lại nướng trên than hoa hoặc vùi trong tro nóng khoảng một giờ đến khi gói rêu bốc mùi thơm nưng nức.
Cũng có thể cho rêu vào ống nứa mà nướng như cơm lam. Hoặc bọc lá kẹp que nướng cá, khi chín lại rán trên chảo. Món rêu nướng ngon nhất khi nhâm nhi với một chén rượu cần trong khung cảnh quây quần đầm ấm.
Nộm rêu – tau nửng chụp cũng là món ăn đơn giản. Rêu sạch đem cắt nhỏ bỏ vào chỗ hấp chín, trộn muối, đường, gừng, rau thơm, hạt sen, nếu cay cho ớt hoặc hạt tiêu rừng – mak khen để làm món rêu giòn, ngọt, thơm.
Canh rêu tươi – kinh tau là món ăn công phu và sang trọng nhất. Rêu được nấu với nước canh xương lợn hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và ăn nóng. Ngoài rêu tươi ăn ngay, người Thái còn tích trữ rêu khô phơi gác bếp ăn dần. Những buổi khách quý đến nhà chơi mới đem ra thiết đãi.
Những buổi gia đình đông đủ, nhà hạ vợ chồng con cái cungg thưởng thức món rêu hương vị tao nhã, như đang thưởng thức món ăn của tiên thần. Rêu có nhiều tác dụng như giúp hoạt huyết, giải độc, thanh nhiệt, chống cao huyết áp.
Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Nười đi rừng khi uống nước mưa nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh, chướng khí sơn lâm.
Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng. Không chỉ có người Thái mà người Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông…ở Tây Bắc cũng ăn rêu thường ngày và đều cho đây là món ăn bổ dưỡng, mát lành.