Thơm dẻo cơm lam chấm muối riềng

Đến với những mảnh đất sơn thủy hữu tình của miền núi phía Bắc, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc nơi đây mà còn bị hớp hồn bởi những ống cơm lam thơm dẻo nếp nương chấm với muối riềng.

Đến với những mảnh đất sơn thủy hữu tình của miền núi phía Bắc, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc nơi đây mà còn bị hớp hồn bởi những ống cơm lam thơm dẻo nếp nương chấm với muối riềng.

Lâu nay, cơm lam được biết đến là một trong những nét ẩm thực độc đáo của miền núi phía Bắc. Cơm lam được hiểu nôm na là thứ gạo nương ngon nhất được đựng trong ống nứa, có dóng dài như dóng mía, hạt gạo ăn dẻo, mềm và thơm đượm mùi tre nứa.

alt

Ngay từ cái tên đã khiến cho nhiều người chưa từng thưởng thức cũng tò mò, tại sao lại có tên là cơm lam mà không phải một loại cơm gì khác? Sở dĩ, bình thường khi nấu nướng ta hay có động tác nấu, xào, hấp, nướng, chiên, rán…thì động tác “nướng” trong tiếng của người dân tộc Thái gọi là “lam”. Như vậy, có thể hiểu cơm lam, là gạo được cho vào ống nứa thay vì cho vào nồi, rồi nướng chín trên lửa để thành cơm. Thứ cơm này sẽ giữ được mùi thơm nguyên chất của gạo, ngào ngạt của tre nứa núi rừng.

Nói về nguồn gốc của cơm lam, có thể xem đây là sản phẩm sáng tạo độc đáo của người dân tộc miền núi. Những người dân tộc ngày ngày đi làm rừng, họ đi xa hết quả đồi này đến quả đồi khác nên thường mang theo gạo để nấu cơm ăn dự trữ. Tiện con dao bên hông, sẵn cánh rừng nứa bạt ngàn, nước suối trong vắt và tinh khiết. Chỉ cần cho gạo vào ống nứa, dùng lá chuối hay lá dong nút chặt rồi nhóm củi nướng chín. Thứ cơm này vừa tiện lợi lại có thể để được lâu, ăn trong vài ngày đi nương, đi rẫy.

Cơm lam tiện dụng, dễ dàng để làm nhưng để có được thứ cơm lam ngon thì nguyên liệu gạo hết sức quan trọng. Thường phải là gạo nếp nương của vùng cao, thứ gạo nhỏ hạt, thuôn dài, thơm nức ở các tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên…Gạo được nén trong ống nứa nhưng không quá chặt, phải tạo khoảng cách với miệng ống để gạo nở. Lúc nướng thì phải trở cho đều tay, xoay ống nứa đều trên lửa để cơm chín đều. Khi mùi thơm của gạo tỏa ra thơm lừng, vỏ nứa khô lại thì cũng là lúc cơm lam đã chín.

Khi thưởng thức, phải dùng dao để dóc hết lớp vỏ ngoài đen khô bị nướng trên lửa, còn lại lớp nứa mỏng bên trong sáng bóng. Lúc này, ống nứa còn giữ được độ nóng ấm, dùng tay rút nút chuối, nút dong, tước nhẹ vỏ ống, để lộ dần một lớp “màng giấy" ngà ngà của ống nứa non bọc lấy những hạt cơm trắng tinh.

Cơm lam ngon nhất phải là cơm dẻo, trắng trong, ăn có vị bùi và thơm mùi của tre nứa, lá rừng. Đặc biệt, khi tách ống cơm ra, ta còn có thể nhìn thấy nguyên hình hạt nếp nương. Cơm lam đúng vị phải được chấm với muối riềng, một thứ muối tinh rang với củ riềng giã nhỏ, vị thơm cay cay của riềng quyện với vị thơm trong của nứa lam, cộng hưởng một hương vị rất nguyên sơ, tự nhiên.

Cơm lam ngày nay cũng có thể được chấm với muối vừng của đồng bằng cũng ngon không kém. Nhưng với bất cứ du khách nào khi đến với vùng núi Tây Bắc không quên thưởng thức vài dóng cơm lam chấm muối riềng rất độc đáo và thi vị này.

VnCharm

Nguồn:

http://laodong.com.vn/Doi-song/Thom-deo-com-lam-cham-muoi-rieng

Bình luận của bạn