Thưởng thức “giò trứng Nộn Khê” - đặc sản nức tiếng đất Ninh Bình
“Từ xưa giò trứng Nộn Khê/Trên mâm cỗ Tết thiếu thì kém sang”, món ăn đặc sản giò trứng từ xa xưa đã đi vào thơ ca của người dân làng Nộn Khê (huyện Yên Mô - Ninh Bình). Món quà quê bình dị, dân dã được dùng trong nhiều dịp quan trọng.
“Từ xưa giò trứng Nộn Khê/Trên mâm cỗ Tết thiếu thì kém sang”, món ăn đặc sản giò trứng từ xa xưa đã đi vào thơ ca của người dân làng Nộn Khê (huyện Yên Mô - Ninh Bình). Món quà quê bình dị, dân dã được dùng trong nhiều dịp quan trọng.
Về làng Nộn Khê những ngày này, bước qua cổng làng, bắt gặp ngay hình ảnh những chiếc giò trứng được nẹp bằng gỗ dựng sát đường, hơi khói tỏa ra nghi ngút.
Nộn Khê là làng văn hóa thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với nhiều nét văn hóa đặc sắc như Lễ hội Báo Bảng, chợ đêm cổng Đình vào rằm tháng Giêng.
Đặc biệt, giò trứng Nộn Khê là món ăn không thể thiếu làm nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của làng. Cũng vì vậy mà tên món giò trứng gắn liền với tên của làng - giò trứng Nộn Khê.
Bà Bình (60 tuổi) - người có hàng chục năm kinh nghiệm gắn bó với nghề làm giò trứng Nộn Khê cho biết: "Người dân nơi đây không biết giò trứng có từ bao giờ, chỉ được nghe ông bà kể lại. Khi ông bà lớn lên đã có món này rồi, và đó là món ăn không thể thiếu trong những mâm cỗ: ngày cưới hỏi, ngày hiếu hỉ, ngày giỗ chạp, đặc biệt là ngày Tết và những dịp lễ hội quan trọng của làng. Cũng vì thế mà quanh năm đều có giò trứng, nhưng chủ yếu nhất vẫn là mùa lạnh và đỉnh điểm là dịp Tết Nguyên Đán".
Nguyên liệu chính làm nên món giò trứng của người Nộn Khê gồm thịt lợn xay, ba chỉ, trứng gà, lá chuối, lạt buộc và các loại gia vị trong nhà bếp.
Mỗi lớp thịt lại một lớp trứng, kèm theo vài lát thịt ba chỉ, cứ thế xếp chồng lên nhau, đan xen tầng tầng tầng lớp lớp, hòa quyện vào nhau đầy đặn vuông vắn.
Bí quyết để món trứng giò khi cắt ra trông được đẹp, nhìn như cánh hoa là phụ thuộc vào trình độ cũng như sự tài hoa, khéo léo sắp xếp trứng của người thợ.
Trứng gà phải dùng sợi cước mảnh để cắt đôi theo chiều dọc quả trứng, không thể dùng dao dày vì rất dễ làm vỡ trứng. Trứng sắp xếp thành 2 lớp riêng, mỗi lớp xếp thành các hàng so le nhau cho đều. Mỗi chiếc giò sử dụng khoảng 10 - 16 quả trứng tùy thuộc kích thước giò cũng như sở thích của khách hàng.
“Muốn ngon, đúng vị, điều quan trọng là thịt lợn phải là thịt mông tươi, nóng dẻo khi vừa mổ mới đạt yêu cầu, không dùng thịt nguội . Trứng phải luộc thật kỹ, thịt ba chỉ được ướp gia vị đầy đủ cho thẩm thấu từng thớ thịt. Lúc bó giò phải trải thật đều tay. Sau khi luộc giò chín (khoảng 2,5 tiếng), phải đưa đi ép vuông ngay để định hình giò, công đoạn ép này phải mất từ 4-5 tiếng, lúc ấy giò nguội thì mới được” -bà Bình nói.
Sự sáng tạo, tinh tế của giò trứng thể hiện ở chỗ đưa trứng gà vào kết hợp cùng món giò quen thuộc làm tăng dinh dưỡng, tăng cảm giác ngon miệng, giảm độ ngấy so với giò thông thường.
Màu sắc đẹp mắt tinh tế hơn khi kết hợp với màu trắng và vàng tươi của trứng, y như điểm hoa cho món ăn.
Giò trứng chỉ sử dụng được trong 1 tuần và phải bảo quản trong tủ lạnh. Đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo kết hợp với sự tinh túy trong ẩm thực đã tạo nên sức hút cho món ăn mang thương hiệu Nộn Khê.
Giò vốn là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, từ giò lụa đến giò xào. Tuy nhiên giò trứng thì chỉ riêng làng Nộn Khê mới có. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giò, ông Nguyễn Văn Quyền- 59 tuổi chia sẻ: "Món giò trứng trông thì dễ nhưng làm thì kỳ công, rất khó và nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Giò trứng muốn vận chuyển xa phải được đóng thùng, đi xe lạnh để đảm bảo chất lượng".
Trong làng, hầu như ai cũng biết làm giò trứng. Thế nhưng để giò thật ngon, có thẩm mỹ, chuẩn vị truyền thống thì chỉ có 3 hộ gia đình đảm bảo tốt nhất và trở thành 3 cơ sở sản xuất uy tín. Trong đó, thương hiệu giò trứng bà Bình là nổi tiếng nức vùng gần xa, phải đặt trước mới có. Vào mùa, mỗi ngày bà làm ít thì 100kg giò trứng, đỉnh điểm có ngày lên đến 300-400kg.