Thưởng thức món "ốc hôn" chỉ có ở Lào Cai
Ốc vệ sinh sạch sẽ được đổ vào nồi, ngâm trong khoảng thời gian 15-20 phút với các loại gia vị tạo hương thơm như: lá chanh, lá bưởi, lá sả, một ít muối trắng. Sau khi gia vị đã đủ ngấm, ốc sẽ được cho lên bếp, đậy vung và đun đều lửa cho đến khi sôi. Khi ốc sôi thì mở vung, cho thêm một ít mẻ chua và đảo đều một lượt cho mẻ ngấm đều rồi đậy vung đun cho sôi là được. Sở dĩ người Tày cho thêm mẻ vào món ốc nhằm hai mục đích: tạo hương vị lạ và làm cho món ốc không ngán dù ăn nhiều.
Không giống với các loại ốc của nhiều nơi trong cả nước, người Tày - Bảo Yên chỉ dùng loại ốc sống trong những dòng suối đá để luộc. Người Tày gọi đó là “ốc đát”, tức ốc đá. Đặc điểm của loại ốc này là thân to, dài, vỏ ốc có vân, thân ốc có màu xám xanh.
Để có được món ốc hấp dẫn và có hương vị đặc trưng thì khâu chế biến là quan trọng nhất.
Nếu như đa số các vùng khác trước khi luộc ốc đều phải ngâm rất kỹ bằng nước lã hay nước vo gạo cho hết bùn, đất và phải thay nước thường xuyên cho đến khi sạch thì với người Tày - Bảo Yên, đây lại là công đoạn nhàn nhất. Lý do là bởi ốc đát chỉ sống ở vùng suối đá nên rất ít bùn thậm chí không có nên khi mò về có thể chế biến ngay được.
Tuy nhiên, mặc dù không phải vất vả cho việc rửa ốc nhưng trước khi đổ vào nồi chế biến, người Tày nơi đây phải chặt bỏ phần đuôi nhọn của từng con một. Đây là cách ăn ốc có từ ngày xưa, bởi theo quan niệm của đồng bào khi đuôi ốc được chặt thì các gia vị sẽ ngấm sâu vào thịt ốc trong quá trình chế biến, món ốc sẽ có hương vị đậm và ngon hơn.
Việc chặt đuôi ốc cũng đòi hỏi sự cẩn thận và quen việc. Ốc chặt phải đáp ứng yêu cầu vừa khéo vừa đảm bảo đẹp lại thuận lợi khi ăn. Nếu chặt nông quá thì việc ăn ốc sẽ rất khó khăn vì thịt của ốc vẫn dính liền với vỏ phần đuôi. Nếu chặt sâu quá sẽ lẹm cả vào phần thịt của ốc, như vậy không những lãng phí mà khi luộc có khi thịt ốc sẽ bung ra ngoài, nhìn không đẹp.
Ốc vệ sinh sạch sẽ được đổ vào nồi, ngâm trong khoảng thời gian 15-20 phút với các loại gia vị tạo hương thơm như: lá chanh, lá bưởi, lá sả, một ít muối trắng. Sau khi gia vị đã đủ ngấm, ốc sẽ được cho lên bếp, đậy vung và đun đều lửa cho đến khi sôi. Khi ốc sôi thì mở vung, cho thêm một ít mẻ chua và đảo đều một lượt cho mẻ ngấm đều rồi đậy vung đun cho sôi là được. Sở dĩ người Tày cho thêm mẻ vào món ốc nhằm hai mục đích: tạo hương vị lạ và làm cho món ốc không ngán dù ăn nhiều.
Trong khi nồi ốc đang được nấu thì việc làm món nước chấm cũng được tiến hành. Điều khác biệt nhất trong cách làm nước chấm của người Tày nơi đây là không lát mỏng gia vị thành miếng nhỏ để cho vào bát nước mắm mà họ giã nhuyễn toàn bộ các thứ gia vị này thành một hỗn hợp. Khi đã có hỗn hợp gia vị người Tày chia vào từng bát nhỏ tuỳ theo số lượng người ăn và cho hỗn hợp gia vị vào trộn đều với nước mắm thành thứ nước chấm đặc trưng, không kém phần hấp dẫn.
Nhìn nồi ốc luộc toả hương thơm ngào ngạt và bát nước chấm hấp dẫn chắc chắn chúng ta không thể kìm nén sự thèm muốn của ngũ giác đang bị kích động. Tuy nhiên việc thưởng thức và cảm nhận hương vị ốc luộc theo phong cách người Tày - Bảo Yên không phải là việc dễ dàng, nhất là với những người lần đầu tiên.
Chị Hoàng Thị Sứ, ở xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), cho biết: “Người Tày từ trước đến nay không có thói quen ăn ốc khêu mà chỉ dùng miệng hút cho thịt con ốc bật ra. Cách ăn như vậy đòi hỏi người ăn phải biết cách hút, nếu không biết dồn hơi và tập trung thì có khi mệt nhoài cũng chưa ăn được”.
Cũng theo chị Sứ, để thưởng thức được món “ốc hôn” độc đáo này, miệng của người ăn phải ôm chặt lấy thân con ốc làm sao hơi không thể thoát ra ngoài. Tiếp đó, người ăn phải tập trung sự chú ý cũng như toàn bộ hơi trong cơ thể và hút mạnh, dứt khoát. Nếu thực hiện được những kỹ năng này, bạn sẽ có bữa thưởng thức “ốc hôn” hiệu quả, theo đúng phong cách người Tày Bảo Yên, Lào Cai.
Với người Tày, ốc luộc không chỉ độc đáo ở nguồn nguyên liệu mà còn độc đáo trong cả chế biến và cách ăn. Thưởng thức món “ốc hôn” cũng là cách để bạn hiểu hơn về văn hoá sinh hoạt của người Tày ở Lào Cai.