Về Bắc Giang thưởng thức cafe dừa

Mỗi lần trở về quê hương, món ăn đầu tiên mà người Bắc Giang xa quê nhớ đến chính là bánh mỳ cay và cafe dừa.

Mỗi lần trở về quê hương, món ăn đầu tiên mà người Bắc Giang xa quê nhớ đến chính là bánh mỳ cay và cafe dừa.

Trên con đường xuôi ngược Bắc Nam, nếu có dịp dừng chân tại mảnh đất Bắc Giang quê tôi, ngoài 2 đặc sản: bánh đa Kế & mỳ gạo Chũ, các bạn đừng quên ghé thăm hàng chè nổi tiếng nhất nhì thành phố nhỏ, nơi lưu dấu kỷ niệm của bao thế hệ học trò nơi đây.

Mỗi lần trở về quê hương, món ăn đầu tiên mà người Bắc Giang xa quê nhớ đến chính là bánh mỳ cay và cafe dừa. Mỗi khi định hẹn nhau gặp mặt, người dân Bắc Giang thường có câu cửa miệng: “Cafe dừa không” hay “Bánh mỳ cay nhé”. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để hiểu, Bánh mỳ cay, cafe dừa đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người con Bắc Giang như thế nào.
 
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều trường học trọng điểm của Thành phố và của cả tỉnh, từ những năm 1997 – 1998, con phố Ngô Gia Tự đã nổi tiếng với vô số những hàng quán dành  với những quán chè Huế, chè Bưởi An Giang... Nhưng nổi tiếng, và ngon nhất, vẫn là Bánh mỳ cay và Cafe dừa – 2 món ăn đã trở thành Đặc sản Bắc Giang.


 
Cũng tại con phố này, đếm sơ sơ thì bạn cũng có thể bắt gặp trên dưới 10 hàng quán bán bánh mỳ cay và cafe dừa.

Khác với bánh mỳ cay của Hải Phòng, chiếc bành mỳ cay Bắc Giang có màu vàng nhạt, chiều dài chỉ khoảng 1 gang tay và chiều ngang chỉ bé bằng 2 ngón tay chụm lại. Nhưng hình dạng bánh không phải là nguyên nhân của tên gọi, mà là do vị cay của tương ớt ăn kèm với bánh.
 
Với chiếc bánh này, người bán sẽ khéo léo bổ đôi chiếc bánh, để phết vào đó 1 lớp pate làm từ thịt lợn xay nhuyễn cùng ruột bánh mỳ và các loại gia vị gia truyền đặc biệt rồi cho vào lò nướng.

Khi thưởng thức, mùi thơm của vỏ bánh giòn tan quyện đều với mùi pate thơm phức. Pate ngon được chế biến cầu kỳ, đặt trong 1 chiếc nồi nhỏ, rồi đặt vào bên trong 1 nồi áp suất to, ninh đến khi các nguyên liệu quyện dính vào nhau, dậy lên mùi thơm nức. Pate mịn tan nơi đầu lưỡi, vị cay của ớt khiến cái miệng cứ hoạt động mãi không thôi. “Chục cái bánh mỳ cay” mà vẫn thòm thèm, vẫn muốn ăn tiếp là chuyện dễ hiểu.
 
Chính vì vậy, bánh mỳ cay đã trở thành món ăn chơi, ăn lót dạ đắt hàng. Giá cũng không hề đắt, hợp với túi tiền của tất cả mọi người.

Cốc cafe dừa chỉ gồm 3 nguyên liệu: nước cốt dừa tự nấu, cafe đen và dừa tươi nạo sợi. Nhìn thì đơn giản vậy song kỹ thuật chế biến  cũng khá  cầu kỳ.

Nước cốt dừa là thành phẩm từ nước cốt dừa nguyên chất mà người nấu phải chiết xuất từ dừa tươi, xay nhuyễn, vắt lấy nước. Thêm vào đó chút bột năng cho sánh quyện, đường và sữa đặc thêm phần ngọt ngào, 1 xíu xiu muối làm dậy vị, đậm đà hơn. Tất cả nguyên liệu đó, sau khi trộn lẫn với nhau, được cho vào nồi nước đang sôi trên bếp, nấu từ 5 - 10 phút để hòa hợp tất cả. Nhấc bếp ra, để nguội rồi mới có thể dùng để làm nguyên liệu cho món cafe dừa tuyệt hảo.

Cafe cũng phải là loại cafe tuyển. Không quá đậm đặc như cafe dùng để uống hàng ngày, nhưng cũng không được nhạt nhòa như loại cafe lít vẫn bán ở các chợ. Cafe dùng cho món cafe cốt dừa khi chưng xong, phải dậy mùi thơm đặc trưng của cafe, mang vị đắng nhè nhẹ vốn có, có màu đen tuyền hấp dẫn.

Một cốc cafe dừa ngon phải hấp dẫn thực khách ngay từ khi được mang lên. Thu hút bởi mùi cafe nhẹ nhẹ, 2 màu trắng đen đối lập dịu dàng. Khi chạm thìa, lớp cốt dừa phải sánh đặc, không loãng. Khi chạm môi, phải man mát, ngọt thoang thoảng. Khi thưởng thức, phải dậy lên vị béo ngậy hấp dẫn của cốt dừa, đăng đắng của cafe, bùi bùi thơm thơm của dừa tươi nạo sợi. 

Một món ăn đơn giản, nhưng không kém phần tinh tế. Bởi bí quyết, chính là khâu pha trộn tỷ lệ để nấu được nồi cốt dừa ngon, khâu rang xay, chưng cất, pha chế thứ nước cafe dùng cho món. Đó là lý do lý giải vì sao, dù thời gian thay đổi, quán xá mọc lên nhiều, nhưng Cafe cốt dừa vẫn đông khách, vẫn hấp dẫn bất cứ đối tượng khách hàng nào. Nhiều người dân ở Bắc Giang thường lấy món này mang ra Hà Nội làm quà . Món quà của quê hương.

Bình luận của bạn