Về miền biển Bạc Liêu, bắt cá thòi lòi nướng muối ớt!
Có thể xem cá thòi lòi thuộc giống lưỡng cư và chậm tiến hoá. Vừa sông dưới nước, vừa thở trên cạn. Nó có thể lặn lâu dưới nước, hay nhảy dựng như ngựa phi. Thỉnh thoảng, cao hứng nhiều con trèo vắt vẻo trên những rễ đước, mắm... để ngó xung quanh chơi cho biết! Nó chuyên săn mồi sống: còng, nha, tôm, tép, các loại cá nhỏ hơn.
Có thể xem cá thòi lòi thuộc giống lưỡng cư và chậm tiến hoá. Vừa sông dưới nước, vừa thở trên cạn. Nó có thể lặn lâu dưới nước, hay nhảy dựng như ngựa phi. Thỉnh thoảng, cao hứng nhiều con trèo vắt vẻo trên những rễ đước, mắm... để ngó xung quanh chơi cho biết! Nó chuyên săn mồi sống: còng, nha, tôm, tép, các loại cá nhỏ hơn.
Cá thòi lòi gần các vàm sông đổ ra biển lớn và thịt ngon hơn cá thòi lòi ở các mé sông, bờ rạch còn cách xa biển. Trong dân gian, người ta bắt cá thòi lòi bằng ba cách: Dùng cần trúc, hoặc nhánh đước suôn, dài chừng hai sải tay người, bắt trùn, tuột hết ruột, lấy cọng lá dừa xỏ thành khoanh tròn, cột vào dây câu (dây này là sợi lạt cà bắp thắt thòng lọng). Chuẩn bị thêm cái thau lớn, có rắc tro hoặc cám khô sẵn gần đó.
Nước ròng, bãi bùn lộ ra, thòi lòi chạy nhảy cùng khắp. Nhử cho cá cắn vào mồi, nhè nhẹ giật lên và khéo léo làm sao cho cá rơi vào thau cám (hoặc tro để sẵn). Hoặc người có kinh nghiệm sẽ thọt hang cá bắt cá bằng tay. Và, cuối cùng là cách đặt bẫy bằng xa di.
Người bình dân miệt Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau dùng chừng chục miếng lá dừa nước thắt thành hình tựa cái phiễu, gọi là xà di, một đầu túm kín. Cá thòi lòi chui vào xà di dễ dàng, nhưng không thể quay đầu lại để thoát ra. Người ta đợi nước ròng vừa giựt mé, miệng hang thòi lòi lộ ra, không cần thọt tay bắt như cách vừa kể cho mất công, thay vào đó, họ đặt cái xà di vào. Lúc sau, cá trồi lên, tự chun vào chiếc bẫy dây được con người giăng sẵn ấy. Chờ có thế người ta lật ngược xà di lại lại đổ cá ra giỏ là xong. Việc đặt xà di quan trọng nhất là phải biết xác định đâu là miệng hang thòi lòi, phải biết nhìn vết bùn xem đã có vết chân thòi lòi bò lên chưa, cá lên rồi mà đặt bẫy thì uổng công lắm!
Cá thòi lòi đem về rửa sạch bùn, đập chết rồi ướp muối ớt, lấy thanh trúc tươi xiên dọc con cá rồi gác lên bếp than hồng, trở đều tay. Bị đốt nóng, nước từ nhánh trúc tươi chảy ra thấm vào thịt cá nên giúp món ăn ngọt hơn. Chỉ một loáng là mùi thơm của cá lan tỏa trong không gian như lời mời gọi người hàng xóm sang cùng chủ nhà lai rai vài ba xị đế.
Dân gian thích ăn nguyên vị thường chọn cách ăn với muối ớt, chanh hoặc nước mắm ngon. Kèm với thịt cá là rau rừng sống được hái về ăn kèm. Điều đặc biệt là thịt con cá này khi chín, để nguội không tanh như một số cá khác thường sống vùng cửa sông, ven biển.
Sau mỗi lần người phụ nữ vượt cạn, sinh con, người chồng ở miền sông nước nơi này thường kiếm cá thòi lòi về nướng cho ăn, để vợ mình mau lại sức. Bởi thịt nó ngon, nhiều nạc, lại lành tính.
Nhìn hình dáng cá thòi lòi bên ngoài chẳng ai ưa được nhưng lại là món thơm ngon khi qua bàn tay chế biến của người dân xứ miệt vườn miền Tây. Đây là nguồn thực phẩm góp phần làm phong phú thêm bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây và là món ăn đặc sản cho những người phương xa khi đến với mảnh đất này.