Vịt xiêm nướng lá bạc hà
Cũng chỉ là món ăn dân dã chế biến từ vịt nhưng món vịt xiêm nướng lá bạc hà được xem là khám phá mới mẻ, sáng tạo và không kém phần tinh tế cho ẩm thực vùng đất Tây Nam bộ.
Cũng chỉ là món ăn dân dã chế biến từ vịt nhưng món vịt xiêm nướng lá bạc hà được xem là khám phá mới mẻ, sáng tạo và không kém phần tinh tế cho ẩm thực vùng đất Tây Nam bộ.
Trong vòng sơ khảo đầu tiên cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt” diễn ra tại TP Cần Thơ, đội quán Nhi ở Q.Ô Môn, TP Cần Thơ đã đoạt giải nhì với món vịt xiêm nướng lá bạc hà.
Vịt xiêm không là nguyên liệu xa lạ với dân đồng bằng, nhưng chính tên gọi món ăn đã khiến nhiều người tò mò tìm đến tận nơi thưởng thức và học hỏi cách chế biến.
Muốn làm món này trước hết phải chọn vịt xiêm tơ nặng 3-4kg. Sau khi làm sạch chọn ức vịt, thái lát mỏng vừa ăn rồi ướp với rượu trắng, củ hành tím, tiêu, tương hột, lá chúc, lá bạc hà non, hạt nêm, bột ngọt cho thấm đều trước khi gói.
Trước khi gói chọn 5-6 tấm lá bạc hà còn tươi xanh chồng lên nhau thành nhiều lớp rồi cho thịt đã ướp vào gói lại theo hình vuông, buộc lại bằng dây giống như gói bánh chưng. Tiếp theo đem nướng trên bếp than hồng độ 25 phút.
Đợi đến khi nào các lớp lá bạc hà bên ngoài cháy sém, khói bốc lên thơm phức là thịt đã chín.
Cách nướng vịt xiêm gói lá bạc hà hoàn toàn dựa vào cách nướng thời hoang sơ mà ông cha ta đã từng trải nghiệm. Làn khói từ những tấm lá bạc hà cháy sém quyện vào nhau lan tỏa, quấn quít như ẩn chứa bao điều thú vị.
Khi ăn gỡ bỏ các lớp lá cháy, chỉ giữ lại những lá còn nguyên và đặt lên đĩa. Mùi thịt vịt nướng hòa quyện với mùi lá chúc và các loại gia vị đi kèm tạo thành một cảm giác lâng lâng khó tả. Hương lẫn vị của món ăn đều phảng phất chất hào sảng của ẩm thực phương Nam.
Theo các đầu bếp, đây là món ăn được lưu truyền từ đời ông cha, và không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc chống nhức mỏi. Tinh tế trong việc chế biến nhưng không màu mè, kiểu cọ, không sử dụng hóa chất và màu công nghệ nên thịt vịt nướng có vị ngọt đậm đà, tự nhiên, ngon và lành.
Khi dọn lên bàn vẫn giữ nguyên lớp lá bên trong để thực khách vừa ăn vừa khám phá mùi thơm dìu dịu, không cay, không đắng, quyến rũ tỏa ra từ thứ “hương đồng cỏ nội” và cả cái nồng nàn ngất ngây của làn khói mỏng bốc lên từ chiếc "bánh" thịt vừa mở ra.
Vịt nướng ăn với nước chấm đặc biệt do quán ăn tự chế bằng nước trái chúc hòa chung với lá chúc xắt nhuyễn, ớt hiểm xanh bằm nát và nước mắm nguyên chất. Nếu ăn chung với cơm nấu bằng gạo lúa thơm thì càng đúng điệu.
Khách ăn không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi vì thịt thơm thơm mùi lá chúc, ngòn ngọt vị bạc hà rất dễ kích thích vị giác.
Không đơn thuần là vấn đề ăn uống mà còn là văn hóa, chính những món ăn phối hợp với nhiều nguyên liệu xanh, sạch từ “cây nhà lá vườn” ngày càng có sức lan tỏa mạnh và cuốn hút nhiều du khách trên cả nước. Đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn đã mạnh dạn khai thác và nâng lên thành “món ăn vị thuốc” vượt hẳn nhiều món nướng khác.