​Mặn mòi cá lạt

“Muốn ăn cá lạt không xương/ Phải dùng dao khứa nhiều đường bên thân”. Đó là câu vè của những người mẹ, người bà chỉ bảo con gái về cách sơ chế loài cá vốn nhiều xương dăm bên thân nhưng rất ngon này.

“Muốn ăn cá lạt không xương/ Phải dùng dao khứa nhiều đường bên thân”. Đó là câu vè của những người mẹ, người bà chỉ bảo con gái về cách sơ chế loài cá vốn nhiều xương dăm bên thân nhưng rất ngon này.Cá lạt, cái tên khiến nhiều người lầm tưởng là thịt cá nhạt nhẽo nên chẳng thèm mua. Nhưng khi được thưởng thức những món ăn chế biến từ loài cá này thì họ lại xuýt xoa khen ngợi và hỏi: “Sao lại đặt tên ngược như thế?”.

Với người dân quê tôi, chỉ cần con cá lạt giá mươi nghìn đồng là trong bữa cơm có nhiều món ngon, thường là món canh chua và um khế.

Cá tươi mang về rửa sơ qua nước, dùng tay móc bỏ mang rồi dùng dao mổ bụng bỏ nội tạng và rửa sạch với nước muối pha loãng. Tiếp đến, dùng dao khứa mỏng hai bên thân để cắt ngắn xương dăm rồi cắt khúc vừa ăn.

Cá lạt là loài cá da trơn, sinh sống ở vùng nước mặn với mõm và thân dài, dùng để chế biến nhiều món ăn ngon: nướng, chiên, hấp, kho dưa cải, kho nghệ, nấu chanh chua, kho sả ớt…

Dạo quanh vườn nhà hái ít rau ngò gai, lá lốt, rau tần, ngổ điếc, bạc hà cùng ớt chín và dăm quả đậu bắp và khế chua.

Rau rửa sạch vớt cho vào rổ để ráo nước. Bạc hà tước vỏ và cắt lát cùng khế chua và đậu bắp, rau thơm vừa cắt nhỏ đã tỏa hương thơm phức. Cho cá vào nồi nước đun sôi trên bếp cùng với ít muối hạt, thêm vài lát ớt chín cắt mỏng để khử mùi tanh.

Chờ đến khi cá chín cho rau vào nồi, nêm gia vị cho vừa ăn rồi nhấc xuống khỏi bếp là đã có nồi canh chua cá lạt đậm đà hương vị. Dùng vá múc canh và vớt cá ra đĩa đặt cạnh chén nước mắm cá cơm pha với chanh, đường, ớt, tỏi, vừa trông thấy đã muốn ngồi vào mâm.

Gắp miếng thịt cá chấm vào nước mắm rồi chậm rãi thưởng thức vị ngọt từ thịt cá lẫn vị mặn từ mắm, chua của chanh hòa với chút cay của ớt và hương thơm từ tỏi thì khó có gì sánh bằng. Chén cơm gạo lúa mới như dẻo thơm hơn thường ngày.

Húp miếng canh cá lạt để cảm nhận vị ngọt dịu dần trôi xuống thực quản và hương thơm từ các loại rau chuyển dần từ miệng lên mũi, sảng khoái lạ thường.

Những người phụ nữ quê tôi thường chế biến món cá lạt “bơi từ canh chua sang um khế”. Nhẹ nhàng vớt cá ra đĩa rồi đun dầu phộng sôi trên bếp, cho vài lát hành tím xắt mỏng vào đến khi bốc mùi thơm, thêm muỗng nghệ tươi xay nhuyễn cùng với ít nước vào nồi.

Khi nước sôi thì cho cá vào nồi với ít muối hạt cùng muỗng đường cát trắng và đun nhỏ lửa. Đợi khi cá gần chín cho khế cắt lát vào nồi, nêm thêm gia vị vừa ăn.

Vài phút sau, nồi cá bốc mùi thơm phức, thêm ít tiêu xay nhuyễn cùng với rau thơm cắt nhỏ rồi nhấc xuống khỏi bếp, thế là đã có món cá lạt um khế đậm đà hương vị.

Màu xanh của rau thơm cùng sắc đỏ của dăm lát ớt trên nền vàng của cá lạt và khế trông thật bắt mắt, giục giã cầm đũa.

Thịt cá dai ngọt quyện với vị chua của khế hòa cùng hương vị của gia vị và rau thơm, ngon khó diễn tả thành lời. Món ăn dân dã nhưng đậm đà, phảng phất hương vị biển cả hòa cùng hương đồng gió nội nơi làng quê.

Theo y học cổ truyền, cá lạc được dùng với tên thuốc là mạn lệ ngư. Dược liệu từ loài cá này là thị, xương, máu và mỡ, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, khu phong, trừ thấp, sát khuẩn.

 

Bình luận của bạn