Bò một nắng nướng - Đến Tây Nguyên là phải thử
Khâu ướp gia vị rất quan trọng, không nên ướp đậm quá vì khi nướng chín, thịt sẽ bị mặn không ngon, cũng không nên ướp nhạt quá, bò không thấm đủ gia vị, sẽ nhanh hư, không để lâu được. Sau đó đem phơi ngoài nắng, nếu trời nắng to, chỉ cần phơi trong một ngày, thịt bò khô lại, cầm lên tay không bị dính là được. Khi ăn, chỉ cần lấy từng miếng thịt, cho lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Thịt nướng chín rám vàng hai cạnh cùng mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Khi nướng nhớ trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy.
Thị trấn Củng Sơn (Phú Yên) là nơi sản sinh ra loại bò một nắng này. Ngày nay bò một nắng đã trở thành đặc sản phổ biến không chỉ ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh Tây Nguyên. Tên gọi của bò một nắng bắt nguồn từ cách chế biến. Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.
Chế biến bò một nắng rất đơn giản, chỉ cần chọn loại nguyên liệu ngon là được. Theo bí quyết của người dân ở đây, thịt bò nhất quyết phải là bò tơ, được chăn thả trong tự nhiên nên thớ thịt săn chắc, ít nước lại có vị ngọt tự nhiên đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng. Thịt được lóc bỏ da, rửa sạch và thái thành từng miếng mỏng, lớn cỡ bằng bàn tay là được. Thịt sau khi thái xong được ướp sơ qua với các loại gia vị như đường, muối, bột nêm, ớt trái giã nhỏ, vừng.
Khâu ướp gia vị rất quan trọng, không nên ướp đậm quá vì khi nướng chín, thịt sẽ bị mặn không ngon, cũng không nên ướp nhạt quá, bò không thấm đủ gia vị, sẽ nhanh hư, không để lâu được. Sau đó đem phơi ngoài nắng, nếu trời nắng to, chỉ cần phơi trong một ngày, thịt bò khô lại, cầm lên tay không bị dính là được. Khi ăn, chỉ cần lấy từng miếng thịt, cho lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Thịt nướng chín rám vàng hai cạnh cùng mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Khi nướng nhớ trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy.
Bò sau khi nướng chín, được cho lên thớt, dùng chày đập nhẹ cho miếng bò mềm, xé thành từng miếng nhỏ. Bò một nắng được ăn kèm với dưa leo, chuối chát, các loại rau thơm và thức chấm. Thức chấm của món ăn này rất phong phú, có thể là tương ớt, muối ớt chanh... nhưng độc đáo và ngon miệng hơn cả phải là muối kiến vàng của người dân tộc.
Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) là loại côn trùng chuyên sống trên cây trong rừng hay các vườn cây ăn trái. Kiến sau khi bắt về, cho lên chảo rang sơ kiến và trứng kiến. Sau đó cho thêm gia vị như muối, ớt vào cối và giã nhuyễn với một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là lá then len (tên gọi của người dân tộc). Xé một miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau để cảm nhận thịt bò mềm và ngọt hòa trong cái đậm đà nhưng chua chua của muối kiến rất ngon miệng.
Nguồn: Ngoisao.net.vn