Văn Hóa Cà Phê Người Việt
Cà phê không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây...và cứ như thế cà phê đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Người ta thưởng thức cà phê trong khi làm việc, khi gặp gỡ, bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân… Và cà phê đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người.
Cà phê không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây...và cứ như thế cà phê đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Người ta thưởng thức cà phê trong khi làm việc, khi gặp gỡ, bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân… Và cà phê đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người.
Vậy thật sự mọi người đã hiểu về nét văn hóa cà phê của mình hay chưa? Bài viết sau đây sẽ là một cái nhìn chung về cà phê Việt, từ sự xuất hiện của cà phê tại xứ sở hình chữ S đến sự hình thành nét văn hóa cà phê của người Việt và những tác dụng quan trọng mà cà phê mang lại trong cuộc sống.
Sự xuất hiện của cà phê ở Việt Nam
Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây, theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Ban đầu thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần cà phê trở thành thứ thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân.
Ngày nay cà phê Việt không chỉ được biết đến về sản lượng đứng trong top đầu thế giới mà còn tạo dựng được nét cà phê rất riêng của người Việt. Hai loại cà phê được sử dụng và trồng phổ biến ở Việt Nam là Arabica và Robusta. Mỗi loại đều mang lại tên tuổi của nó ở trong nước cũng như ở nước ngoài về sản lượng, chất lượng, mùi vị. Hương vị cà phê Việt ngày càng bay cao, bay xa với những thương hiệu lớn như Cà phê Trung Nguyên, Vinacafe, NesCafe…
Nét văn hóa cafe người Việt
Hương vị cà phê đậm đà đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân Việt. Sự tinh tế của cà phê Việt thể hiện ở nét văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê khác lạ của người Việt.
Người Việt có phong cách thưởng thức cà phê rất riêng, họ không coi cà phê là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ như người Mỹ mà thưởng thức cà phê như một thứ văn hóa: nhâm nhi và suy tưởng. Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người,…
Gu thưởng thức của người Việt là: đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất. Tùy mỗi một loại cà phê mà mang lại cho người thưởng thức cái cảm nhận về vị chua, độ dầu, và mùi hương của các loại hoa trái khác nhau. Một ly cà phê ngon là ly cà phê đậm đà hương vị tự nhiên, có độ chua thanh, tươi, sạch lưỡi; có độ dầu đậm và đặc biệt hơn là tỏa ra mùi hạnh nhân, hoa trái, bơ dầu và mùi đất.
Cà phê phin được coi là thứ thức uống được ưa thích nhất của người Việt. Cái cảm giác ngồi chờ đợi từng giọt từng giọt cà phê rơi thật là thú vị. Càng thú vị hơn nữa khi được nhâm nhi thành quả của nó, có thể là một tách cà phê đen nóng, có thể pha thêm chút sữa, uống nóng hay uống đá tùy theo sở thích của mỗi người.
Người ta có thể đoán biết được tính cách con người, văn hóa của mỗi vùng miền qua cách pha cà phê và sở thích uống của mỗi người. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi, họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều rất đậm đặc.
Tác dụng của cà phê trong đời sống hàng ngày
Cà phê không đơn thuần chỉ là thức uống giải khát, mà cà phê còn khiến cho người ta tỉnh táo, thư giãn, mang lại sức khỏe cho con người, làm cho người với người gần nhau hơn.
Cà phê giúp nâng cao tinh thần và hiệu quả công việc. Hoạt chất caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích hoạt động của trí não, giúp con người có được sự tỉnh táo, minh mẫn và tập trung trong công việc. Ngoài ra còn làm tăng tốc độ tư duy và sáng tạo khiến cho cho hiệu quả công việc được nâng cao. Chính vì vậy mà việc uống cà phê đã trở nên phổ biến nơi công sở.
Cà phê cải thiện sức khỏe cho mỗi người. Cuộc sống tất bật hàng ngày, công việc luôn luôn bận rộn sẽ khiến cho bạn mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu khó chịu hay vướng vào một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường típ 2, gan, hen suyễn hay dị ứng… Với việc uống cà phê đủ liều lượng có thể giúp bạn giảm được nguy cơ mắc những căn bệnh trên. Ngoài ra cà phê còn có khả năng làm tăng sức mạnh của cơ bắp, giảm lượng mỡ trong cơ thể.
Theo nghiên cứu, trong cà phê có chứa chất chống ô–xy hóa và khoáng chất làm tăng khả năng phản ứng của cơ thể với isulin, làm tăng lượng isulin trong máu, và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt chất caffein trong café lại rất có tác dụng đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh hen và dị ứng. Theo nghiên cứu của người Ý, họ theo dõi trên 70.000 người, kết quả là sự khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly cafe mỗi ngày thì nguy cơ bị các cơn hen tấn công sẽ giảm 28%.
Cà phê tạo cảm giác sảng khoái, thư giãn và giúp cho người với người gần nhau hơn. Một tách cà phê mỗi buổi sáng sẽ khiến bạn cảm thấy sảng khoái trước khi bước vào một ngày làm việc mới. Những giây phút thư giãn, nhâm nhi tách cà phê cùng bạn bè, người thân sẽ là những giây phút để mọi người cùng nhau trò chuyện, hàn huyên tâm sự, chia sẻ những lo toan, muộn phiền từ công việc, từ cuộc sống… giúp mọi người gần gũi, hiểu nhau hơn.
Một số địa điểm thưởng thức cà phê Hà Nội, Sài Gòn
Những quán cà phê từ dân dã đến lịch sự, trang trọng, từ phong cách cổ xưa đến hiện đại, từ bình dân đến cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê của mọi đối tượng…
Cà phê Hà Nội được biết đến với 3 con phố cà phê nổi tiếng: phố Hàng Hành, Nguyễn Du, Hồ Trúc Bạch. Đây là những địa điểm gần hồ nên thu hút được nhiều thực khách, vừa nhâm nhi cà phê vừa có thể ngắm hồ nước trong xanh, ngắm dòng người ngược xuôi.
Người Hà Nội từng biết đến Cà phê Giảng, nơi đã tồn tại gần một thế kỷ và hấp dẫn thực khách bởi món cà phê trứng độc đáo; Cà phê Lâm (phố Nguyễn Hữu Huân) nổi tiếng với những bức tranh khá đẹp; Cà phê Phố Cũ (Hàng Bông), với một không gian sân vườn thoáng đãng và đầy lãng mạn; Nắng Sài Gòn (Nguyễn Chí Thanh) với vẻ rực rỡ, sôi động như chính người Sài Gòn; rồi Cà phê Liễu Giai với không gian thưởng thức cà phê riêng, độc đáo.
Và hơn thế nữa là sự xuất hiện của cà phê cao ốc với phong cách trang trí sang trọng, lịch sự thu hút được du khách nước ngoài và trở thành "điểm hẹn" của giới doanh nhân như: City View trên nóc tòa nhà Hàm cá mập, tại đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ gươm, khu phố cổ Hà nội; Lake View Sky Lounge trên tầng 18 khách sạn Daewoo hoặc Summit Lounge ở trên tầng 20 khách sạn Sofitel Plaza, với độ cao này bạn có thể ngắm toàn cảnh thành phố.
Cũng có những quán dành cho thực khách thuộc dân nghiền cà phê, đó đơn giản chỉ là những quán cà phê vỉa hè với những chiếc ghế nhựa để ngồi và ghế gỗ để cà phê. Bên những cốc cà phê thơm lừng, nghi ngút khói, dân nghiền bóng đá có thể "buôn dưa lê" các chuyện trên trời dưới biển, cũng có những người vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa lặng lẽ đọc báo quên hết mọi ồn ã xung quanh.
Cà phê Sài Gòn là cà phê dạng phong cách mới với những quán cực rộng. Các con phố tập trung nhiều quán cà phê như khu vực Hồ con Rùa, đường Lê Lợi, Đồng Khởi… Cà phê Sài Gòn thì muôn hình vạn trạng với mỗi quán là một phong cách riêng, kiến trúc riêng.
Nhắc đến cà phê Sài Gòn là nhắc đến một "Bố già" xuất hiện từ năm 1976, với phong cách sang trọng, hiện đại và cực kỳ lãng mạn với những kệ sách ngoại văn nhuốm màu thời gian. Một "Du Miên" với khung cảnh gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với màu xanh cỏ cây hoa lá. Quán tạo nhiều góc trang trí đẹp với những phong cách khác nhau, như những vòm đá mạnh mẽ gợi nhớ đến một châu Âu Trung cổ... Quán Cà phê hẻm Trịnh: nằm gần căn nhà cũ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (đường Phạm Ngọc Thạch), nơi đây dành cho những người bạn tâm giao, mong muốn có sự đồng cảm, và cùng nhau chiêm nghiệm về cuộc sống qua những ca khúc trữ tình của cố nhạc sĩ.
VnCharm
Nguồn tham khảo:Văn hóa cà phê người Việt
http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Cuoc-song-360/An-uong 360/Van_hoa_cafe_nguoi_Viet/