Có cơ hội sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 'made in Vietnam'
TTO - Trong số khoảng 80 nhà phát triển vắcxin khắp thế giới tiến hành thử vắcxin này trên chuột, có một cái tên Việt Nam: Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm y tế (VABIOTEC), Bộ Y tế.
Một kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 - Bộ Y tế
Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch xảy ra, các nhà nghiên cứu vắcxin của công ty này bắt đầu có ý tưởng nghiên cứu, sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 và điều đó thực sự đến khi những đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân lập được virus corona chủng mới.
Liệu cơ hội sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 "made in Việt Nam" có thành hiện thực, nhất là khi VABIOTEC đã nghiên cứu thành công, sản xuất vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản B, vắcxin viêm gan B, vắcxin ngừa virus cúm gia cầm H5N1?
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt - giám đốc VABIOTEC, tiêm trên chuột được coi là một trong những bước đi đầu tiên của quá trình nghiên cứu, sản xuất vắcxin, sau khi các nhà nghiên cứu "cài" được kháng nguyên virus corona vào vắcxin.
Sau khi tiêm thử trên chuột, các nghiên cứu viên của công ty đã lấy máu chuột để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá, dự kiến 2-3 tuần nữa sẽ có kết quả.
"Nếu kết quả đánh giá tốt, có đáp ứng miễn dịch, chúng tôi sẽ tham gia dự tuyển vắcxin, sau đó tiến hành các khâu định liều, thử nghiệm trên động vật, trên nhóm nhỏ và nhóm lớn người tình nguyện" - ông Đạt chia sẻ.
Dù là một nhà sản xuất vắcxin có kinh nghiệm, nhưng không phải không có những khó khăn rất lớn đối với các nhà phát triển vắcxin Việt Nam. Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất được vắcxin từ những năm 1960 (bắt đầu với vắcxin ngừa bại liệt, sau đó là vắcxin dịch tả uống), nhưng công nghệ sản xuất vắcxin vẫn đi theo lối cổ, tức là làm theo khâu và mỗi khâu kéo dài 2-3 năm.
Quá trình nghiên cứu, sản xuất vắcxin quá dài đã dẫn đến có loại vắcxin như vắcxin ngừa cúm gia cầm H5N1 sản xuất ra thì dịch đã qua và không quay trở lại, người dân không có nhu cầu tiêm ngừa. Một vắcxin rất tốt, được sản xuất công phu nhưng đành phải "xếp xó".
Lần này, cơ hội đến khi VABIOTEC đang có chương trình hợp tác nghiên cứu với ĐH Bristol (Anh), với 4 nghiên cứu viên đã được đào tạo tại ĐH Bristol, cộng với việc lần đầu tiên có nguồn vốn từ quỹ trong nước rót cho nghiên cứu, phát triển vắcxin.
"Trước đây nguồn vốn cho phát triển vắcxin đều từ Nhà nước, nếu được đầu tư nghiên cứu bắt buộc phải có kết quả, trong khi không phải lúc nào nghiên cứu cũng có sản phẩm" - ông Đạt nói.
Với vắcxin ngừa COVID-19, hiện đã có 70-80 nhà sản xuất vắcxin khắp thế giới đang ở giai đoạn tương tự VABIOTEC, tức là đã tiêm thử nghiệm trên chuột, có 8 nhà sản xuất đang tiến hành song song thử trên động vật và thử trên người. Đây là cách làm nhanh, mới và có những yếu tố "mạo hiểm".
Việt Nam đang theo dõi bước đi của 8 nhà sản xuất này để đánh giá tình hình, trong trường hợp đủ điều kiện, VABIOTEC cũng có thể tiến hành nghiên cứu COVID-19 một cách nhanh hơn quy trình truyền thống. Tuy nhiên phải 2-3 tháng tới mới có thể khẳng định về cơ hội này.
Mỹ thử nghiệm 14 vắcxin tiềm năng
Theo báo The Hill ngày 3-5, giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vắcxin phòng virus corona đang được phát triển theo chương trình "Operation Warp Speed" của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vắcxin vào sử dụng từ đầu tháng 1-2021.
Đây là số vắcxin tiềm năng được lựa chọn trong nhiều tuần từ 93 loại vắcxin do 80 công ty dược nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vắcxin chỉ trong tối đa 8 tháng.
Trong hai tuần tới, 14 vắcxin này sẽ được thử nghiệm thêm và giới chức y tế Mỹ hi vọng chọn được khoảng 6-8 vắcxin trong số đó cho vòng thử nghiệm lâm sàng. Mục tiêu cuối cùng là có 3-4 vắcxin lọt vào vòng thử nghiệm sau cùng trước khi được đưa vào sử dụng đầu năm tới.
Theo các quan chức y tế, mặc dù không đảm bảo chắc chắn rằng bất kỳ loại nào trong 14 loại vắcxin trên sẽ được lựa chọn vào vòng cuối cùng, nhưng họ lạc quan tin tưởng có một xác suất hợp lý rằng một hoặc nhiều loại vắcxin sẽ cho kết quả tốt. Sau khi tìm được một loại vắcxin có hiệu quả, các nhà nghiên cứu và giới chức y tế Mỹ sẽ nỗ lực để có thể nhanh chóng điều chế và sản xuất vắcxin cho hơn 300 triệu người dân nước này.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ca ngợi "Operation Warp Speed", đồng thời cho biết ông đang trực tiếp giám sát chương trình này và cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng các bước đi chưa từng có. Chương trình có sự tham gia của nhiều cơ quan liên bang Mỹ như Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp...