Ninh Giang - làng thuốc cổ của đất Thăng Long

Ninh Hiệp gồm ba làng cổ là Ninh Giang, Phù Ninh và Hiệp Phù. Nay làng Ninh Giang đổi tên thành thôn 8, Hiệp Phù thành thôn 9, Phù Ninh lớn nhất chia thành 7 thôn, tính từ thôn nhất. Rành rẽ như vậy, bởi nghề làng thuốc nam, thuốc bắc gọi chung là dược liệu, có sự khởi nguồn từ nhiều thôn khác nhau.

Ninh Hiệp, vùng đất cổ của huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội có làng thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang vào diện cổ nhất của đất Thăng Long và đang trở thành nơi tái chế, trung chuyển thuốc thuộc diện lớn nhất cả nước. 

Lịch sử của làng thuốc này tương đương với lịch sử hình thành của thành Thăng Long, khoảng 1.000 năm trước nhưng đến bây giờ nó mới được thành phố Hà Nội chính thức công nhận làng nghề. 

Làng thuốc cổ của Thăng Long 

Ninh Hiệp gồm ba làng cổ là Ninh Giang, Phù Ninh và Hiệp Phù. Nay làng Ninh Giang đổi tên thành thôn 8, Hiệp Phù thành thôn 9, Phù Ninh lớn nhất chia thành 7 thôn, tính từ thôn nhất.

Rành rẽ như vậy, bởi nghề làng thuốc nam, thuốc bắc gọi chung là dược liệu, có sự khởi nguồn từ nhiều thôn khác nhau. 

Cụ Nguyễn Khoa Nhuần, một cao niên thôn 8 kể lại vào thời Lý, một bà tổ nghề gốc Thanh Hóa có tài chữa bệnh cứu người, khi qua làng thôn 6 làng Phù Ninh và làng Ninh Giang thấy đất đai phì nhiêu, dân làng cần cù, bèn trụ lại dạy dân làm nghề thuốc nam dược và dệt vải. 

Nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với dân làng Ninh Giang và Phù Ninh thời bấy giờ là rừng báng thuộc đất Đông Ngàn (nay là Tiên Du, Bắc Ninh), vừa là nơi khai thác vừa là nơi gieo trồng cây thuốc. 

Nghề làm thuốc phát triển, nhờ đó lan sang cả thôn 7, thôn 9. 

Sau nhờ có công lao truyền nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người, bà được phong là Lý Nhũ Thái Mẫu Dược sư thần linh. 

Khi bà mất, thôn 6 thờ bà ở Điếm Kiều còn thôn 8 thờ tại đình làng cùng với thành hoàng làng. Tại đình làng thôn 8 còn khắc đôi câu đối: “Y pháp tinh thông cứu bệnh cứu nhân danh bất hủ/ Dược phương năng đạt thọ dân thọ thế nãi phi thường”. 

Hàng năm, vào ngày 18/1 âm lịch, dân làm thuốc hai thôn lại tổ chức cúng lễ, tưởng nhớ bà tổ nghề. Khi đất làng bén hơi của phố, người thôn 6, thôn 7, thôn 9 làm thuốc ít dần mà chuyển sang buôn bán vải; chỉ còn thôn 8 duy trì với nghề cổ với hơn nửa số lao động tham gia. 

Những bậc cao niên và cả những người am hiểu lịch sử làng xã không dám khẳng định đây là làng thuốc cổ nhất của Thăng Long nhưng dám khẳng định nó bén rễ ở nơi này cùng thời với triều đại nhà Lý định đô ở Thăng Long.

Những người làm thuốc ở đây hãnh diện bởi thời xưa, hai danh y nổi tiếng người làng giỏi nghề thuốc được vào cung làm ngự y chữa bệnh cho vua là Chánh ngự y Nguyễn Tán và Phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt cùng rất nhiều thái y khác.

Giữ nếp cũ, người dân Ninh Hiệp ngày nay vừa biết sơ chế thuốc, vừa biết bốc thuốc cho người bệnh các nơi tìm đến. 

Sôi động làng nghề thuốc dân tộc 

Tiếng là làng ngoại thành nhưng thôn 8 không khác gì khu phố trong nội thành Hà Nội, đường xá quanh co chật hẹp, nhà cửa san sát những căn hộ cao tầng. Duy chỉ có điều, khắp trong nhà ngoài ngõ đều thơm lựng mùi đông dược; sân nhà, lối đi được tận dụng phơi thuốc, mỗi gia đình như một xưởng dược liệu với những kho thuốc ngổn ngang. 

Ông Lâm Văn Thôn, trưởng thôn 8 cho biết toàn thôn có 254 hộ chế biến thuốc, chiếm 60% tổng số hộ; tạo doanh thu hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu toàn thôn. 

Nhà ít thì vài ba người làm nghề, nhà nhiều thuê tới vài chục công nhân, suốt đêm ngày nhộn nhịp. 

Tuy không thu nhập cao như kinh doanh vải nhưng nghề làm thuốc là nghề hướng thiện, để lại nhiều phúc đức cho con cháu nên được nhiều người gắn bó, duy trì theo kiểu cha truyền con nối. 

Ông Lâm Văn Định, một lang y cho biết ông làm nghề bốc thuốc mấy chục năm nay không dựa vào kiến thức ở trường lớp mà bằng kinh nghiệm cha ông và những quyển sách tự học. 

Ông nhẩm tính rằng, từ khi làm nghề tới nay, khoảng 15.000 lượt bệnh nhân đã đến với ông, từ Vũng Tàu, Nha Trang xa xôi đến lưu học sinh các nước Australia, Canada, Nhật Bản... 

Hiện tại, con trai ông cũng đang kiên trì theo nghề của cha; hàng ngày bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh. 

Xưa kia, người thôn 8 cũng như các thôn khác của Ninh Hiệp thường gánh thuốc bằng bồ rong bán khắp nơi và phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm có tới gần nửa dân gốc ở Ninh Hiệp. Hiện tại, phố Lãn Ông là nơi tiêu thụ phần lớn thuốc ở Ninh Hiệp, là nơi trung chuyển thuốc tới tận tay người bệnh. 

Lãnh đạo xã Ninh Hiệp cho biết làng thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang vừa mới được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. 

Vui hơn khi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đang đề nghị làng nghề Ninh Giang tham gia chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để nghề thuốc Ninh Hiệp giới thiệu với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế về một bản sắc nghề truyền thống quê hương./. 

Bình luận của bạn