Trăn trở ở làng nghề thuốc nam 500

Bà Lệ, trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: "Làng nghề dược liệu ở Nghĩa Trai đã có từ rất lâu đời. Ở đây, hầu như nhà nào cũng gắn bó với cây thuốc. Có thể nói dân làng Nghĩa Trai mưu sinh từ việc trồng và buôn bán cây dược liệu". Lạ lùng ở chỗ, đất Nghĩa Trai chỉ trồng được các cây dược liệu mà không thể trồng được các loài cây nông nghiệp khác. Trước đây, một số hộ dân đã thử chuyển sang cấy lúa và trồng hoa màu nhưng đều thất bát nên họ quyết định "bám rễ" với nghề truyền thống của làng: Trồng cây dược liệu.

Chúng tôi đến làng dược liệu Nghĩa Trai đúng thời điểm thu hoạch hoa cúc nên cứ ngỡ mình lạc vào làng hoa. Hoa phủ khắp cánh đồng, hoa trải trên lối đi…, hoa và người như quyện vào nhau. Đước biết, người Nghĩa Trai đã trồng hoa cúc và các loại cây dược liệu khác từ hơn 500 năm nay.

Bà Lệ, trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: "Làng nghề dược liệu ở Nghĩa Trai đã có từ rất lâu đời. Ở đây, hầu như nhà nào cũng gắn bó với cây thuốc. Có thể nói dân làng Nghĩa Trai mưu sinh từ việc trồng và buôn bán cây dược liệu". Lạ lùng ở chỗ, đất Nghĩa Trai chỉ trồng được các cây dược liệu mà không thể trồng được các loài cây nông nghiệp khác. Trước đây, một số hộ dân đã thử chuyển sang cấy lúa và trồng hoa màu nhưng đều thất bát nên họ quyết định "bám rễ" với nghề truyền thống của làng: Trồng cây dược liệu. Bà Hào, người đã có 40 năm trồng dược liệu cho biết nghề trồng cây dược liệu ở đây gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng mà người dân Nghĩa Trai nào cũng biết và nằm lòng.

Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng khoảng hơn 500 năm về trước, không rõ gốc tích từ đâu, một chàng trai lạ đã dừng chân tại làng Nghĩa Trai, kết duyên cùng với một người con gái trong làng và sinh ra Hải Thượng Lãn Ông, được xem là ông tổ làng nghề dược liệu Nghĩa Trai. Từ bé, ông đã lĩnh hội từ cha mình rất nhiều bài thuốc quý và đã cùng cha chữa trị bệnh cho dân nghèo. Trước khi mất, cha Hải Thượng Lãn Ông đã truyền cho con trai cách tìm nguồn giống cây thuốc để nhân giống trồng tại quê hương và nghề bốc thuốc chữa bệnh. Theo lời cha, ông đã đi khắp nơi để tìm ra những giống cây dược liệu quý để làm thuốc chữa bệnh. Từ một vài giống cây thuốc, ông đã nghiên cứu và áp dụng những bài thuốc của cha, cổ động dân làng trồng cây dược liệu để chế thuốc tự chữa bệnh cho mình và cung cấp dược liệu cho các vùng khác.

Từ đó, làng Nghĩa Trai được biết là "làng thuốc cứu người". Hàng ngàn người ở nhiều vùng khác nhau đã kéo về Nghĩa Trai để được chữa bệnh và theo Hải Thượng Lãn Ông học bốc thuốc. Nhưng ông rất kén học trò, ông thường cho học trò đi theo mình để đoán "tâm" học trò có thực sự muốn cứu người không. Vì vậy, khi Hải Thượng Lãn Ông mất, cả làng mới chỉ có hai ông lang học được nghề bốc thuốc từ ông. Tuy nhiên, cả làng ai cũng biết trồng cây dược liệu để làm thuốc chữa các bệnh thông thường.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay, làng Nghĩa Trai vẫn giữ được nghề trồng cây dược liệu của cha ông. Hơn 90% hộ dân làng Nghĩa Trai sinh sống bằng cây dược liệu. Họ là nguồn cung cấp cây dược liệu chính cho các ông lang, nhà buôn ở địa phương, vừa cung cấp thuốc Đông y cho nhiều địa phương khác trong cả nước. Cũng nhờ họ mà đến nay làng nghề dược liệu Nghĩa Trai vẫn được duy trì và ngày càng phát triển, đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của ngành Đông y Việt Nam.

Những trăn trở ở một làng nghề

Bà Lệ khẳng định: "Tuy hầu hết dân làng Nghĩa Trai đều sống bằng nghề trồng dược liệu nhưng lại có rất ít người học được nghề bốc thuốc để chữa bệnh. Nghề trồng cây dược liệu gần như đã ăn sâu vào tiềm thức của dân làng nhưng bốc thuốc chữa bệnh thì không phải ai cũng có thể học làm được để phổ biến và nhân rộng. Nhưng do nghề trồng cây dược liệu đã tồn tại và phát triển khá lâu ở đây nên phần lớn người dân địa phương có thể tự bảo vệ mình khỏi những chứng bệnh nhẹ". Theo người dân địa phương, số người trong làng mắc các chứng bệnh về hô hấp, hay ốm đau do đau bụng thông thường rất ít.

Chị Đỗ Thị Hoa, một chủ cơ sở chuyên kinh doanh thuốc Đông y tại làng Nghĩa Trai cho biết: Do số người biết bốc thuốc để chữa bệnh trong làng chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên Nghĩa Trai được biết đến như một làng nghề truyền thống trồng cây dược liệu hơn là là một làng chuyên bốc thuốc nam như lời đồn thổi của nhiều người.

Người dân làng Nghĩa Trai thu hoạch hoa cúc

Chị Hoa bảo, ở đây người nông dân sống bằng nghề trồng cây thuốc nam cũng bấp bênh lắm. Chị Thanh Nhàn, người trồng dược liệu hơn 7 năm cho biết: "Thị trường thuốc nam lên xuống thất thường khiến người dân nhiều phen phải thấp thỏm lo mất giá. Nghề trồng thuốc nam lại rất tốn công chăm sóc, đòi hỏi tính tỷ mỷ cao trong khâu sơ chế, đến khi thu hoạch, nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, dược phẩm không được phơi, sấy đúng cách thì người nông dân có nguy cơ mất trắng. Thuốc không đủ tiêu chuẩn, không bán được đã đành, vốn để phát triển nghề cũng vơi dần dẫn đến chán nản, muốn bỏ nghề".

Đầu ra cho cây dược liệu vẫn là vấn đề khiến người nông dân ở Nghĩa Trai lo lắng. Từ bao đời nay, họ phải tự trồng, rồi tự liên hệ tìm thị trường tiêu thụ cây dược liệu. Chính vì thế người dân thường bị động với những rủi ro của thị trường thuốc nam, khi đắt thì không có hàng bán lại bị phạt hợp đồng, còn khi rẻ thì bị ép giá. Những năm gần đây nguồn cung dược liệu ở mức hạn chế, nhiều khi không đủ cung ứng ra thị trường nên việc sản xuất dược liệu của Nghĩa Trai gặp không ít khó khăn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc gìn giữ làng nghề truyền thống ở địa phương.

Theo nhiều người dân trồng dược liệu và người buôn bán thuốc nam tại làng Nghĩa Trai, hiện số cây dược liệu mà địa phương cung ứng cho thị trường chỉ chiếm 1/3, số còn lại là nhập từ nhiều vùng miền khác và nhập từ nước ngoài (đa phần các vị thuốc nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc). Với kinh nghiệm nhiều năm nhập hàng từ Trung Quốc, chị Đỗ Thị Hoa cho biết: "Hàng nhập từ Trung Quốc thường có nhiều tạp chất gây hại và lượng thuốc rởm tương đối nhiều. Khi mua hàng, người buôn thuốc thường mua với số lượng lớn nên hay lơ là công tác kiểm định chất lượng thuốc. Nếu không tinh, người mua hàng dễ mua phải hàng rởm vì hiện công nghệ làm thuốc giả, thuốc dởm rất tinh vi". Chị Hoa cho biết: "Có nhiều vị thuốc làm giả uống có thể không gây nguy hại cho người bệnh ngay nhưng nó sẽ kéo dài thời gian ủ bệnh. Nếu không được phát hiện sớm thì người bệnh có thể gặp phải những biến chứng khôn lường".

Thông thường giá thành của các loại thuốc rởm chỉ bằng một nửa giá của vị thuốc thật. Nếu không phân biệt được, các vị thuốc thật sẽ mất sức cạnh tranh và thuốc giả sẽ dần được "lên ngôi". Đây được coi là một khó khăn và trở ngại lớn cho những người gắn sự nghiệp với cây dược liệu. Chị Hoa chia sẻ: "Hiện nay công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Từ một số loại bột qua nhào lặn, phẩm màu và gia vị thì người làm thuốc lậu có thể làm giả được nhiều vị thuốc có giá trị. Điều này làm mất giá trị của các vị thuốc thật, khiến người nông dân khốn đốn". Chị Hoa cũng chỉ ra một số thuốc thật và thuốc giả, ví dụ thuốc tần giao loại thật có giá 500 nghìn đồng/kg nhưng nếu hỏi mua loại tần giao giả chỉ có giá 100 nghìn đồng/kg; cây thuốc hồng hoa thật có giá 350 nghìn đồng/kg nhưng hồng hoa rởm chỉ có giá 120 nghìn/kg, hoặc quy thật có 140 nghìn đồng/kg nhưng quy ngố ở Trung Quốc thường dài hơn thật chỉ có giá 60 nghìn đồng/kg...

Hiện nay việc trồng thuốc nam ở Nghĩa Trai vẫn chủ yếu dựa vào các ông chủ buôn bán thuốc tìm đầu ra cho dược liệu. Nhiều người dân cho rằng nếu không có các chủ buôn bán thuốc nam thì có lẽ làng nghề trồng cây dược liệu ở Nghĩa Trai đã "chết" từ lâu. Người trồng cây dược liệu chỉ biết chăm sóc và sơ chế dược liệu, còn để có thể duy trì được làng nghề trồng dược liệu thì cần phải có những người "nghiện và yêu nghề". Điều đáng nói là hiện nay làng Nghĩa Trai mới chỉ trồng được một số loại dược liệu thông dụng như: Quốc hoa, sa tiền, tía tô, hoài sơn, kinh giới, cốt khí…, còn những vị thuốc quý, các nhà buôn thuốc lớn trong làng đều phải đặt hàng và nhập từ nơi khác. Điều này khiến Nghĩa Trai không thể nâng vị trí của mình lên so với các vùng trồng cây dược liệu khác. Đây là một thách thức lớn với những người tâm huyết với nghề.

Bình luận của bạn