Ẩm thực Đồng Hới: Lươn biển

Món mắm xổi lươn biển, thịt lươn ướp muối, nhiều ít muối tùy theo, trong vòng một đến hai ngày, vớt ra cho ráo nước, càng ráo càng tốt. Lót chảo bằng các loại dầu mở thông thường, nểu có thịt mỡ lót chảo kín cả đáy chảo càng tốt.

Đồng Hới còn có một loài hải sản, hình thù, đặc điểm sống và môi trường sống  cơ bản giống với đẻn biển. Đó là con lươn biển, từ gọi địa phương là con lệệc . Chỉ có hai điểm khác nhau cơ bản nhất, để phân biệt rõ ràng con đẻn biển và con lươn biển (lươn biển chúng tôi quen gọi là con lệệc), một là da đẻn biển thiên về màu trắng, với những đám vằn đen, còn lươn biển hầu hết lại có màu nâu vàng, không có vằn ngoài da,( vẫn có trường hợp lươn biển có vằn ngoài da nhưng số ít và vằn da không rõ bằng vằn da của đẻn biển). điểm khác thứ hai để phân biệt hai loài này, đó là, đẻn biển khi di chuyển, hầu như là bơi như các loài cá, còn loài lươn biển, vừa bơi được trong môi trường nước biển, vừa lủi toàn thân vào trong cát.

Đẻn biển bơi trong nước biển để di chuyển vị trí, khi tìm mồi. Còn lươn biển khi bơi trong biển, chủ yếu bơi gần sát mặt cát , để săn mồi, để tự vệ. Lươn biển còn có bản năng lủi vào trong cát, một là để lẩn tránh nguy hiểm, hai là để rình mồi. Đang bơi trong nước, nếu phát hiện ra nguy hiểm có thể đe dọa, lươn biển nhanh chóng lủi nhanh xuống lòng cát chỉ trong nháy mắt. Lươn biển lủi vào cát theo chiều ngược thân, nghĩa là đuôi xuống trước, đầu xuống sau hết. Toàn thân lươn biển khi lủi xuống, gần như nằm khuất hẵn trong cát, chỉ hở ra hai con mắt để quan sát mà thôi...Hai loài hải sản này còn có một đặc điểm chung khác với hầu hết các loài hải sản khác như tôm, cá, mực... là toàn thân đều có một lớp chất nhầy, giúp cho hoạt động bơi lội, hoặc lủi xuống cát ( của lươn biển) được dể dàng.

Thỉnh thoảng ngư đân có thể bắt được đẻn biển bằng nghề câu tay, hay  kéo lưới. Còn lươn biển, bắt được chúng nó phải thành thạo các thao tác, như kỷ năng kỷ xảo. Hồi nhỏ, sáp nhỏ làng biển ven  biển Đồng Hới chúng tôi , say sưa với những buổi đi bắt lươn biển. Nói chính xác là đâm lươn biển, ( hay đâm lệệc) vì miệng lươn biển có hai hàm răng trên dưới rất sắc, dùng để tự vệ khi gặp nguy hiểm, không chạy thoát kịp, chúng dùng biện pháp cắn trả đối phương. Nên chi chỉ bắt được lươn biển khi đã dùng một công cụ quen gọi là chiếc đọc, cấu tạo như một cây lao, cán bằng gổ, một đầu cắm hai que sắt nhọn. Bắt lươn biển chủ yếu khi chúng đã lủi vào cát. Phải có kỷ năng kỷ xảo mới tìm ra được con lươn biển đã lủi trong cát vào trường hợp này. Lươn biển hay lủi vào trong cát rình mồi, tầm nước ven bờ, từ khoảng nước lưng ống chân trở ra. Thường thì vào những ngày trời yên biển lặng, chủ yếu vào những ngày hè, nhằm vào con nước ròng từ sáng sớm. Thêm vào đó là phải vào những ngày luôn có ngọn gió Tây hoặc Tây Nam thổi nhè nhẹ, (Chúng tôi quen gọi là gió nam) mặt biển trở nên êm ái, phẳng lặng, nước trong veo nhìn xuống tận đáy cát.

Vừa lội trong tầm nước khoảng ngập đầu gối, vừa phóng tầm mắt xuống cát, kinh nghiệm giúp chúng tôi  phát hiện ra được chổ nấp lủi của lương biển.Trong mặt cát vàng vàng, trong gợn nước lăn tăn những đường ngoằn nghoèo của ánh sáng lấp lánh, trong mặt phẳng cát vàng dưới nước, chúng tôi cũng dể dàng nhận ra được đầu nhọn của con lươn biển, nhô lên, to chỉ gần bằng đầu ngón tay út, màu xam xám, có hai con mắt đang trồi ra chỉ nhỏ gần bằng hai mắt con ruồi ... Khi bơi, lươn biển nhanh nhẹn bao nhiêu, khi lủi chúng càng nhạy cảm bấy nhiêu. Chỉ cần một chấn động rất nhẹ đến chổ lươn lủi, chúng cũng ngay tức khắc luồn sâu xuống cát, chỉ trong nháy mặt. Phải định hướng từ phía thân lươn biển từ hai con mắt và mủi nhọn phía mõm lươn. Định hình được rồi, hết sức nhẹ nhàng đặt phần lưỡi đọc lên phần cát cách đầu lươn khoảng một tấc, rồi nín thở, rồi lấy hết sức mạnh đôi tay, rồi nhấn đọc xuống xiên ngang cổ lươn biển. Có khi chúng tôi chậc lưỡi tiếc rẽ khi đọc chưa kịp cắm xuống, lươn đã lủi trước trốn thoát. Hầu hết chúng tôi đã thắng với các thao tác đầy hấp dẫn này. Chú lươn bị cây đọc cắm ngang cổ, vẫn còn gòng mình kéo sâu xuống. Chúng tôi phải chọc tay xuống cát, túm lấy thân lươn ép sát vào cán đọc, đưa cả thân hình ngoằn ngoèo của con lươn đang dẫy dụa, lên trời...Bắt lươn kiểu này quả là một trong những thú vui, niềm đam mê hấp dẫn chúng tôi một thời trẻ nhỏ...

Lươn biển được biến chế ra các món ăn xứng đáng góp mặt vào kho tàng các sơn hào hải vị của biển cả của đất nước. Chể biến lươn biển, trước hết là, từ con lươn nguyên thể, ra nguyên liệu. Ở cung đoạn này, chủ yếu là bước làm sạch da lươn, dùng tro bếp, nước gạo... ngâm cả con lươn vào, (Có thể coi là giống như làm sạch da con lươn đồng vậy) rồi dùng lá tre, rơm rạ...xát mạnh vào da lươn biển một lúc, quệt ngón tay vào nghe sạch là được. Rồi rửa lại bằng nước trong vài lần cho sạch hẵn. Mổ lấy hết ruột, mang, cắt bỏ mỏ nhọn, vi lươn, cẩn thận hơn phải lấy sạch đường máu dọc trong xương sống, rồi rửa sạch tất cả lần cuối cùng. Lươn biển cũng nhiều xương hom. Kinh nghiệm nên cứa ngang thân lươn, nhát cách nhát chừng một đến hai ly... rồi cắt  ngang thân lươn từng lát mỏng, ta được lươn nguyên liệu. Đầu lươn vẫn dùng, đặc biệt để nấu canh chua.

Bây giờ thì, cứ theo khẩu vị, theo sở thích mà chế ra những món đặc sản từ lươn biển, từ nguyên liệu trên đây...

Món xào lươn biển, thịt nguyên liệu lươn biển (gọi tắt là thịt lươn) ướp gia vị, cho dầu mỡ vào chảo, đợi sôi lên,cho  thịt lươn vào, đợi khi mặt dưới chín, dùng đũa lật trên xuống dưới, thấy  lát lươn vừa vàng tới là được.Cho thêm hành ngò vào...

Món mắm xổi lươn biển, thịt lươn ướp muối, nhiều ít muối tùy theo, trong vòng một đến hai ngày, vớt ra cho ráo nước, càng ráo càng tốt. Lót chảo bằng các loại dầu mở thông thường, nểu có thịt mỡ lót chảo kín cả đáy chảo càng tốt. Cho dầu mở sôi, khử thơm bằng hành tỏi củ. Sắp một đến hai lớp thịt lươn ướp lên, trên cùng rãi một thìa mỳ chính, rồi một lớp hành ngò lá, cắt thêm vào quả cà chua, củ cải, củ su hào ( cắt mỏng ) càng ngon. Đậy nắp lại, đun nhỏ lửa, (lâm râm) khoảng từ 25 đên 30 phút, chưa bắc mắm xuống đã cuốn hút vị giác từ mùi mắm xổi tỏa ra...

Canh chua thịt lươn, xào trước thịt lươn, xào thêm với chuối khế, nêm mắm muối tùy khẩu vị, đổ nước vào tùy theo, khi canh sôi một lúc đoán đã chín, cho hành ngò vào, đợi sôi lại là bắc xuống...

Lươn biển còn làm các món khác, như lươn nướng,  rồi  trộn lăn, hoặc chấm với nước mắm tỏi ớt xanh, lươn biển làm được mắm thính, lươn biển xào lên thật thấm tháp, nấu cháo gạo sôi vừa chín hột gạo rồi cho lươn biển xào vào, một món cháo lươn biển vừa ngon vừa bổ, hợp truyền thống khẩu vị...

Lươn biển, để lại cho chúng tôi những kỉ niệm khó quên về vùng biển  Đồng Hới thân yêu...
Bình luận của bạn