Cá mát sông Giăng - đặc sản quê xứ Nghệ
Sông Giăng tuy rất dữ dội là thế nhưng cũng rất đỗi hiền hòa, sông chở đầy phù sa cho bãi ngô, bãi khoai luôn xanh mướt, và sông cũng là nơi sinh tụ của từng đàn cá Mát. Một loài cá quen sống bầy đàn trong các khe đá, cá Mát vừa lành vừa bổ như chính cái tên của nó, thịt lại thơm ngon, mỡ béo, ít xương, đặc biệt ăn cá mát có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh về tim mạch, rất thích hợp cho người già.
Cá Mát sông Giăng nay người xứ Nghệ coi như món đặc sản dân dã. Ngoài kho tương, ăn với cơm nóng, cá Mát còn có một cách chế biến khác đó là đem kẹp cá vào vỉ tre tươi và nướng giòn trên nồi than hoa, chấm mắm gừng, thật tuyệt.
Bởi vì thế dân gian mới có câu: “Bể: Thu, Đao - rào: Rầm, Mát”. Ví như các loài cá ngon nổi tiếng đại diện cho sông, biển Việt Nam.
Sông Giăng – con sông trải dài trên 100km bao quanh vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông - Nghệ An). Từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn), ngược sông Giăng bằng xuống máy mất 2 giờ đồng hồ mới vào được bản tái định cư của người Đan Lai - một dân tộc thiểu số ít người của miền Tây xứ Nghệ. Nằm trong quần thể VQG Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam, chính bản thân con sông Giăng cũng là một kỳ quan mà tạo hoá ưu ái dành cho huyện nghèo miền Tây xứ Nghệ.
Đập Phà Lài- công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông. Chiết tự tiếng Thái: Phà có nghĩa là trời, Lài là hoa. Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Từ khi có đập Phà Lài, con sông Giăng mới được thuần hoá, và đường vào bản tái định cư Cò Phạt, Khe Khặng của hơn 70 hộ gia đình dân tộc thiểu số Đan Lai mới bớt xa xôi…
Dòng sông mềm mại xuất phát từ biên giới Việt – Lào, không chỉ là đường giao thông độc đạo vào vùng lõi Pù Mát, mà còn là nơi kiếm sống mưu sinh của những người dân bản địa.
Sông Giăng tuy rất dữ dội là thế nhưng cũng rất đỗi hiền hòa, sông chở đầy phù sa cho bãi ngô, bãi khoai luôn xanh mướt, và sông cũng là nơi sinh tụ của từng đàn cá Mát. Một loài cá quen sống bầy đàn trong các khe đá, cá Mát vừa lành vừa bổ như chính cái tên của nó, thịt lại thơm ngon, mỡ béo, ít xương, đặc biệt ăn cá mát có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh về tim mạch, rất thích hợp cho người già.
Cá Mát sông Giăng nay người xứ Nghệ coi như món đặc sản dân dã. Ngoài kho tương, ăn với cơm nóng, cá Mát còn có một cách chế biến khác đó là đem kẹp cá vào vỉ tre tươi và nướng giòn trên nồi than hoa, chấm mắm gừng, thật tuyệt. Bởi vì thế dân gian mới có câu: “Bể: Thu, Đao - rào: Rầm, Mát”. Ví như các loài cá ngon nổi tiếng đại diện cho sông, biển Việt Nam.
Con sông Giăng đầu nguồn có dòng nước trong xanh, uốn lượn ôm lấy những tán cây nguyên sơ nơi đại ngàn, gợi cho ta khung cảnh thật yên bình và lãng mạn, ngắm tầm mắt xuống đáy sông, ta sẽ bắt gặp từng đàn cá Mát tung tăng lượn qua khe đá cuội. Cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho một vùng đất xứ Nghệ cảnh đẹp hùng vĩ và đặc sản cá Mát, món ngon dân dã mà không phải nơi nào cũng có.