Gỏi cuốn ốc đắng, món ngon đồng bằng miền Tây
Ốc đắng là loài nhuyễn thể, mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ (cũng có khi lớn hơn), màu nâu thẫm, đuôi nhọn; phần trôn ốc xoắn nhặt (tương tự như ốc gạo). Loài ốc này thường xuất hiện quanh năm nơi các ao, hồ, sông, rạch nơi đồng bằng miền Tây. Thịt ốc đắng béo, ngọt thơm ngon, nên chế biến món ăn nào cũng tuyệt và được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng. Làm món gỏi cuốn ốc đắng trộn thịt hơi cầu kỳ một chút để món ăn được thăng hoa. Nghĩa là ta phải thêm một số “phụ gia” như: Thịt lợn ba rọi (hoặc nạc dăm mềm), bún, bánh tráng, rau sống (giá, hẹ, hành tím, xà lách, củ cải đỏ...).
Những ai sinh ra và lớn lên nơi đồng đất miền Tây chắc hẳn không xa lạ gì với con ốc đắng. Và món món gỏi cuốn ốc đắng dân dã đã gắn chặt với ký ức tuổi thơ của bao người dân vùng quê nơi đây.
Nhớ khi xưa, mỗi khi túng ngặt khó kiếm thức ăn hoặc bất chợt có bạn đến thăm, mà “vợ thời đi vắng, chợ thời xa” thì chỉ cần xách cái thùng thiếc cùng cái rổ xuống mương xúc một lát thì có ngay cả ký ốc để làm những món ngon đãi bạn.
Những món phổ biến xưa nay với con ốc đắng thường kể là ốc đắng luộc chấm nước mắm chanh sả ớt (hay cơm mẻ sả ớt), ốc đắng làm gỏi trộn bắp chuối; kho nghệ sả ớt; kho dừa cứng cạy (xắt miếng), làm chả … Nhưng những năm gần đây, người sành ẩm thực miền Tây đã chế biến ra một món ăn khác, đó là gỏi cuốn ốc đắng trộn thịt.
Ốc đắng là loài nhuyễn thể, mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ (cũng có khi lớn hơn), màu nâu thẫm, đuôi nhọn; phần trôn ốc xoắn nhặt (tương tự như ốc gạo). Loài ốc này thường xuất hiện quanh năm nơi các ao, hồ, sông, rạch nơi đồng bằng miền Tây. Thịt ốc đắng béo, ngọt thơm ngon, nên chế biến món ăn nào cũng tuyệt và được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng.
Làm món gỏi cuốn ốc đắng trộn thịt hơi cầu kỳ một chút để món ăn được thăng hoa. Nghĩa là ta phải thêm một số “phụ gia” như: Thịt lợn ba rọi (hoặc nạc dăm mềm), bún, bánh tráng, rau sống (giá, hẹ, hành tím, xà lách, củ cải đỏ...).
Con ốc đắng dân dã nơi sông nước miền Tây. (Ảnh: BCT)
Đĩa gỏi cuốn ốc đắng dân dã đậm đà tình quê! (Ảnh: BCT)
Trước hết, ốc đắng bắt được (hay mua ở chợ) cho vào thùng với ít nước và dùng cây đũa bếp xoay tròn nhiều vòng và xả nhiều lần với nước lạnh cho sạch đất và rong rêu. Đổ ốc vào thau ngâm với nước lạnh cùng vài trái ớt sừng đâm giập, chờ khoảng 1 tiếng cho ốc nhả thức ăn ra nhanh. Đâm giập vài tép sả (hoặc lá ổi, lá chanh cũng được) lót dưới đáy nồi cho có mùi thơm, rồi đổ ốc vào cùng nước lạnh ngập xăm xắp, đặt lên bếp luộc chín, để ra rổ.
Ruột ốc đắng màu trắng ngà, béo thơm thật hấp dẫn. (Ảnh: BCT)
Chờ khi ốc nguội, dùng que nhọn lể ốc cho vào tô. Kế đến, phi hành tím thơm rồi cho ruột ốc vào xào chín cùng với một ít bột nêm cho vừa khẩu vị, múc ra dĩa. Thịt ba rọi luộc chín, xắt miếng mỏng để ra dĩa. Cuối cùng, là phần cuốn gỏi theo trình tự và qui cách như sau: Đặt miếng bánh tráng nhúng (đã thấm nước) lên mâm rồi cho một ít rau sống (giá, hẹ) cùng thịt ba rọi xắt miếng, ruột ốc đắng vào, gấp 2 cạnh bên bánh tráng lại rồi cuốn thành hình trụ xếp tuần tự ra dĩa, là xong. Nhưng, nếu để như thế mà dùng là một thiếu sót lớn vì không tận hưởng hết những hượng vị đặc trưng của loài ốc này mà thiên nhiên đã ban tặng con người.
Nói thế, nghĩa là ta phải làm thêm món nước chấm. Đây chính là “linh hồn” của món gỏi cuốn ốc đắng. Để làm được nước chấm ngon, ta phải chăm chút tỉ mỉ từng phần một để món ăn ngon miệng. Củ cải đỏ xắt sợi phải ngâm giấm trước cho thấm, tương xay và tương ớt phải nêm nếm cho vừa khẩu vị, đậu phông rang giã giập cho có độ giòn, thơm. Tất cả các nguyên liệu trên trộn đều ra dĩa và có độ sánh nhất định để khi chấm mới “bắt” miệng người thưởng thức.
Nếu có dịp đến vùng đồng bằng miền Tây, bạn thử khám phá cho được món gỏi cuốn ốc đắng này xem sao. Và tôi tin chắc bạn sẽ nhớ mãi món ăn dân dã nơi miệt vườn sông nước Cửu Long này!...