Hết ăn ốc mò tới ăn ốc nhảy

Nếu như đã nói "ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay" – một dạng thành ngữ tạo thành từ các ngữ mò ốc, măng mọc, cò bay… thì cái thời ốc nhảy toàn thịnh, tần suất sử dụng ngữ dày đặc, hẳn người ta nói ăn ốc nói nhảy để thay cho ngữ chém gió?

Nếu như đã nói "ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay" – một dạng thành ngữ tạo thành từ các ngữ mò ốc, măng mọc, cò bay… thì cái thời ốc nhảy toàn thịnh, tần suất sử dụng ngữ dày đặc, hẳn người ta nói ăn ốc nói nhảy để thay cho ngữ chém gió?

Biển Thái Bình bao la không còn đủ sức đẻ ốc nhảy cho kịp sức ăn của các quán ốc. Cách đây gần 20 năm khi dân Sài Gòn chưa biết ăn ốc nhảy, giá ốc ở vựa chợ Cầu Ông Lãnh 2.000 đồng/kg. Bây giờ ốc nhảy đã khoảng 320.000 đồng/kg. Quán ốc một số nơi bán hàng tính theo con... 

Lạm phát mà tính dựa trên giá ốc nhảy, thì chắc phải bằng ở… Zimbabwe. Giá ốc lên đỉnh cao một phần cũng do nguồn ở ven bờ cạn kiệt, nguồn ở biển hơi xa lại bị dã cào tận diệt các vùng cỏ, vùng rạn. Nhưng dã cào xứ ta, theo ông Báu, ngư dân ở Lagi, thường đi câu dàn trên biển xa tận vùng nước Indonesia, dã cào bọn tàu còn to gấp hai gấp ba lần, chuyên cào khơi xa.

Het an oc mo toi an oc nhay

 
Lần đầu, được ăn con ốc nhảy và sau đó mãi tơ tưởng là con ốc từ Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Xuân Tự là một vùng biển cạn, những ngày triều xuống nước cạn, người ta đi bắt đủ thứ hải sản về bán, thứ không thèm bắt là con hải sâm, dân địa phương gọi là đồn đột. Ăn ốc ngày xưa là ăn theo thuở, nên biển Thái Bình luôn bao la, đủ sức mắn đẻ. Vạn Ninh cũng còn một vùng biển cạn nhiều ốc nhảy nữa là biển Diêm Điền, Vạn Khánh. Nhưng xứ này còn nghèo hơn Vạn Hưng, ốc nhảy cũng nhập cư… Sài Gòn và cạn kiệt.
 
Đến khi dân Sài Gòn ăn ốc nhảy như tằm ăn lên, có dịp về thăm quê hương, thèm ốc, thì hỡi ôi ở quê nghèo giờ đây, chỉ còn con ốc nhảy to bằng một nửa con ốc nhảy ngày xưa. Dân ở đây gọi là ốc nhảy đực – từ mới nghe đã thấy có gì không ổn về cái sự “thanh” của ngôn ngữ. Nhưng ở đâu mà nhiều nhảy đực thương phẩm đều tăm tắp như cá mè một lứa vậy? Tôi đồ rằng đó là một giống ốc nhảy họ hàng với ốc nhảy lâu nay vẫn ăn, và nếu gọi đủ tên là ốc nhảy da vàng – tiếc là nó không được vào trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Chẳng hiểu sao người Mỹ lại gọi nó là ốc chó (dog conch).
 
Thế rồi ốc nhảy bắt đầu thoái trào khi các nhà hải sản đã lấy được giống và khai thác thương phẩm, vì quy nạp thời nay là con gì nuôi cũng trở thành siêu thịt và siêu dở… như con ốc hương. Nhưng không hẳn, vì con nhảy không ăn tạp như con hương kia, mà chỉ ăn thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. Liệu chúng có bị “hủ hoá” như bọn khỉ Cần Giờ hiện nay không biết ăn khoai lang sống mà chỉ ăn yaourt, một khi vào tay loài người?
 
Và, một loại ốc khác cũng kịp thời lấp chỗ trống ốc nhảy, trong lúc nguồn ốc nuôi chưa dồi dào. Đó là ốc cà na. Đấy cũng thuộc dạng ốc hai đầu đều nhọn, thịt ngay mày săn chắc như thịt gần mày con ốc nhảy. Do nó bầu giữa thân nên gọi là ốc cà na? Nhưng không, trông nó giống quả trám hơn. Ốc nhảy và ốc cà na theo hình dạng đều thuộc chi mà danh pháp khoa học gọi canarium – để tả các loại giống quả trám với hai đầu nhọn. Phải chăng ngữ “ốc cà na” là gọi theo đó?
 
Ốc cà na ưa chuộng trong quán xá Sài Gòn. Nhờ thịt vừa có phần miệng săn dòn, vừa có đuôi bùi bùi. Và trên tất cả của thời địa ốc lạnh tanh, thực ốc hơi chựng do kinh tế, giá ốc cà na chưa tới “thắt lưng” ốc nhảy da vàng – từ 70.000 – 90.000 đồng/kg tại các chợ. Trong các món ốc cà na, phải kể món rang muối ớt là ngon nhất – vừa cay gây sốc cho môi, vừa mằn mặn, ngọt dòn, beo béo. Tiếc là không có hương như ốc hương, nên chỉ có thể khắc phục bằng cách “Coco chanel” hoá nó thôi. Nhiều món khác cũng phải “son phấn” đậm vậy mà.
 
Theo Thế giới tiếp thị
Bình luận của bạn