Rươi, cáy Nghi Xuân thơm ngon khó cưỡng

"Bao giờ cho đến tháng Mười/Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”, người dân các xã Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) vẫn luôn tự hào vì thức quà “trời cho”. Với họ, những thức chấm này không chỉ là ẩm thực độc đáo mà còn chứa đựng tình cảm, sự khéo léo, tỉ mẩn của những đôi bàn tay để tạo nên hương vị đặc trưng ngày Tết cổ truyền.

Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ Tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Hương (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) – người đã gắn bó hàng chục năm với món ruốc rươi chia sẻ: “Để có món ruốc rươi ngon chuẩn vị vào đúng dịp Tết, ngay từ cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi đã chọn lựa, cất giữ những con rươi tươi nhất, béo tròn để chế biến. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm nay gia đình tôi đã muối hàng tạ rươi tươi và hiện đều đã được khách quen đặt mua gần hết”.

Ở Nghi Xuân, ngoài ruốc rươi thì ruốc cáy cũng là một đặc sản. Ruốc cáy có giá "mềm" hơn (dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/chai 500 ml) nên được nhiều người chọn mua. Ruốc cáy có màu vàng nâu sậm, chấm với rau lang, thịt luộc… thì thơm ngon chuẩn vị. Với nhiều gia đình dịp Tết, chai ruốc cáy luôn là thứ không thể thiếu trong góc bếp.

Thịt luộc, dưa hành, cà muối… chấm với ruốc rươi ngày Tết thì ngon không gì tả nổi; nhẹ nhàng nhưng đậm đà mà không kém phần hấp dẫn. Nếu trước đây, rươi chỉ là món ăn dân giã thì nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng và giá thành vì thế cũng cao hơn. Một chai ruốc rươi 500ml được bán với giá 400 - 450 ngàn đồng.

 
Ruốc rươi, ruốc cáy cũng là món hàng quen thuộc tại các hội chợ nông sản Hà Tĩnh


Với nhiều người, ruốc rươi, ruốc cáy đã trở thành thứ nước chấm độc đáo với hương vị đặc trưng. Chút đậm đà của ruốc với vị cay cay, chua chua khi chạm tới đầu lưỡi như thức dậy những giác quan làm mê mẩn bao người. Với những “cao lương mĩ vị” ngày tết thì chỉ cần một bát ruốc đi kèm sẽ làm cho bữa cơm năm mới thêm phần thanh đạm, dân dã mà cuốn hút.

Ruốc rươi muốn đậm đà, thơm ngon, quan trọng nhất là khâu sơ chế. Muối rươi không quá khó nhưng cần sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Người muối phải rửa rươi thật sạch mới đem xay nhuyễn. Hành tăm, vỏ quýt và ớt cay là gia vị đặc trưng làm dậy mùi, tất cả đều được xay trộn với rươi. Thính được rang đến khi chuyển màu vàng cánh dán, xay nhỏ rồi trộn cùng với hỗn hợp. Sau đó, người chế biến tùy theo độ tinh tế để gia vị thêm muối tạo độ vừa phải, vị đậm đà cho rươi. Trong lúc chế biến, kị nhất là để nước lạnh rơi vào và sơ chế xong phải cho ngay vào vại sành sứ để có sản phẩm thơm ngon nhất. Đặc biệt, người muối phải chọn đúng thời điểm nắng đẹp để mang ra phơi mới mong tạo được mùi thơm như ý. Sau 1 tháng, khi ruốc rươi chín sẽ chuyển sang màu đỏ vàng và đến thời điểm Tết Nguyên đán thì món rươi muối đã đạt đến độ hoàn hảo.
Bình luận của bạn