Vấn vương cá chạch đồng một nắng mùa nước nổi

Cá chạch đồng một nắng chiên vàng giòn, xếp ra đĩa cùng với dưa leo, khế chua, chuối chát hòa quyện với nhau tạo nên mùi vị ngọt lành, ngon đến ngất ngây. Mùa nước nổi cũng là mùa của chạch đồng. Dư vị đặc trưng của món cá chạch đồng một nắng khiến cho lòng người vương vấn khi đặt chân đến miền Tây.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước nổi, người dân quê tôi lại dùng những dụng cụ đơn sơ đi ra cá thửa ruộng để bắt cá đồng. Đó cũng là nghề nghiệp “ăn theo” mà bấy nhiêu năm qua người miền Tây đang và đã từng sống chung với lũ. Trong ký ức của tôi và đám trẻ quê ngày xưa ấy luôn nhớ về những ngày tụm năm tụm ba ra ruộng đặt lọp cá chạch đồng. Loại cá này khi “tóm” được chúng mang về chế biến món ăn, đảm bảo sẽ có bữa cơm ngon đến tuyệt vời.

Mùa này, những sinh vật phù du như rong rêu, tép cá nhỏ nhiều vô số, đó chính là nguồn thức ăn ưa thích của cá chạch đồng. Nhờ vậy mà mùa nước lên, cá chạch đồng lớn nhanh, con nào con nấy ú na ú nần trông thích mắt. Có nhiều cách bắt cá chạch đồng nhưng cách đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất là đặt lọp. Dù chỉ là vật dụng bắt cá giản đơn nhưng làm được một chiếc lọp ưng ý để “chiêu dụ” cá chạch đồng không phải là chuyện dễ dàng. Nguyên liệu chính để làm lọp là những nan tre già được trau chuốt bóng loáng. Khoảng cách giữa các nan thật đều nhau, không quá thưa cũng không quá khích, đặc biệt là cái hom lọp phải vừa đủ để cá chạch đồng chui vào mà cũng không thể nào chui ra ngoài được.

Đặc tính cá chạch đồng là hoạt động vào ban ngày nên chú ý đặt vào buổi sáng và sẽ thăm lọp 2 lần trong ngày để bắt cá. Mồi cá chạch đồng ưa thích nhất là con trùng đất. Gói vài con trùng vào một túi vải rồi bỏ vào trong lọp mang ra đồng để tiến hành đặt cá. Chuyện đặt cá nghe nói thì dễ nhưng để bắt được cá chạch đồng cần phải có nhiều kinh nghiệm. Quan trọng nhất là chọn được một thửa có cá trong vô số các thửa ruộng trên cánh đồng lớn. Cà chạch đồng chọn sống ở các thửa ruộng thấp có nhiều nước, không có nhiều tiếng động.

Vấn vương cá chạch đồng một nắng mùa nước nổi - Ảnh 3

Chạch đồng chiên ăn kèm với rau sống, chuối chát, khế chua

Khi đặt lọp, người đặt móc một lỗ bùn vừa cái lọp rồi đặt xuống. Tầm 6 tiếng đồng hồ thì thăm lọp một lần để tránh gây nên nhiều tiếng động mà cá chạch tránh xa. Cá chạch rất nhạy mồi, khi gặp luồn cá chạy có khi cá dính đầy trong hom lọp mà phát mê. Cá chạch đồng có màu xanh nhạt, lưng bóng loáng, dưới đuôi có vài chấm tròn. Sau khi bắt được cá nên mang đi thả chậu nước trong vài giờ để cá nhả hết bùn đất trước khi mang vào làm món.

Vấn vương cá chạch đồng một nắng mùa nước nổi - Ảnh 4

Đảm bảo khi ăn một lần thực khách sẽ hoài nhớ mãi

Khác với các loại cá khác, chạch đồng khi làm không được mổ bụng bởi bụng cá được xem là phần ngon nhất và tinh túy nhất của loại cá đồng này. Cá chạch đồng có thể làm lẩu, nấu cháo, nấu canh chua đều rất ngon. Người miền Tây có “độc chiêu” dự trữ cá là mang đi phơi một nắng rồi để dùng dần. Món ăn này từ lâu đã được xem là đặc sản mang lại sự thích thú đối với thực khách khi đặt chân đến miền Tây.

Bắc chảo dầu lên bếp thả cá chạch đồng một nắng vào, trở qua trở lại tầm vài phút rồi xếp cá ra đĩa. Cá chạch đồng ăn kèm với rau thơm, chuối chát, khế chua và các loại rau có sẵn ở vườn nhà. Vị cá chạch thơm ngon khi chấm với nước mắm me hoặc nước mắm chua ngọt kết hợp với các loại rau cho ra một món ngon khó cưỡng. Không phải nghiễm nhiên cá chạch đồng trở thành đặc sản trứ danh, mà từ lâu món ăn này đã làm ngất ngây biết bao thực khách khi đặt chân đến vùng sông nước này.

Bình luận của bạn