Về thăm Ba Động đừng quên món chù ụ
Có dịp bạn hãy về Ba Động miền duyên hải Trà Vinh, nơi mang nhiều vẻ đẹp thiên nhiên bởi sự hoang sơ của nó. Ba Động có bờ biển dài với nhiều động cát đẹp, hàng dương gió vi vu mát rượi. Ba Động còn được biết đến bởi nơi đây có một loài loài giáp xác sinh sống mà dân gian gọi là con chù ụ. Chù ụ có hình dáng tương tự cua đồng. Hai càng chù ụ đỏ hoe, to và kềnh càng, nhiều thịt, trên mai lại có những vết hằn sần sùi giống như hoa văn, hình dáng quều quào, sù sụ, buồn.
Có dịp bạn hãy về Ba Động miền duyên hải Trà Vinh, nơi mang nhiều vẻ đẹp thiên nhiên bởi sự hoang sơ của nó. Ba Động có bờ biển dài với nhiều động cát đẹp, hàng dương gió vi vu mát rượi. Ba Động còn được biết đến bởi nơi đây có một loài loài giáp xác sinh sống mà dân gian gọi là con chù ụ. Chù ụ có hình dáng tương tự cua đồng. Hai càng chù ụ đỏ hoe, to và kềnh càng, nhiều thịt, trên mai lại có những vết hằn sần sùi giống như hoa văn, hình dáng quều quào, sù sụ, buồn.
Có lẽ vì vậy mà người đời mới gọi là chù ụ. Chù ụ là một tính từ mà theo phương ngữ Tây Nam bộ thì đó là mặt khó chịu, không ưa nhìn của người nào đó đang trong tâm trạng bực bội tột độ nhưng bất lực.
So với ba khía thì chù ụ chậm chạp hơn, nhưng chúng ở trong các hang rất sâu. Người bình dân muốn bắt chù ụ phải dùng dá để đào. Bắt được chúng cũng là một kỳ công.
Thịt chù ụ ngon giòn, rất đặc trưng. Chù ụ được bắt về rửa sạch đất, cát, dùng tay gỡ bỏ yếm cho chúng chết rồi để ráo trước khi chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Đơn giản nhất có lẽ đem chù ụ luộc nước dừa xiêm. Không biết có duyên tiền định hay không mà dừa xiêm vùng này nước ngọt lịm. Chù ụ đã chuẩn bị xong, leo tót lên cây bẻ trái dừa dùng dao bén dạt mặt lấy nước cho vào nồi nấu sôi. Thả chù ụ vào chỉ lát sau là chù ụ chín. Vớt chù ụ ra rổ cho ráo rồi xếp vào dĩa. Chù ụ luộc nước dừa ăn kèm với rau sống, dưa leo, cà chua, … chấm muối tiêu chanh thì phải nói, hương vị mặn mòi của miền quê ven biển như thấm vào tận món ăn dân dã này.
Sẵn bếp than hồng, muốn ăn món nóng giòn người ta đem chù ụ nướng. Cứ để miếng vỉ bện bằng dây chì ngang bếp rồi sắp chù ụ lên nướng. Trở đều tay, chù ụ chín đỏ, giòn rụm. Cứ vậy, dùng tay xé từng ngoe, càng của nó chấm với muối tiêu, muối ớt vừa ăn chơi vừa nhâm nhi vài chung rượu đế rồi hóng mát lồng lộng thổi từ biển vào thì quả thật đã đời lắm vậy!
Cầu kỳ nhất là món chù ụ rang me. Chù ụ bắt về được làm sạch rồi bỏ lên chảo xào với dầu, hành và tỏi đập dập. Sau đó người ta cho nước cốt me vào và nêm nếm cho vừa miệng, sao cho có vị chua ngọt lẫn cay nồng.
Trên đĩa người ta sắp sẵn mấy miếng dưa leo xắt xéo, những đọt rau rừng xanh mơn mởn kết hợp với sắc đỏ của chù ụ, sắc vàng của những lát khóm, … nhìn đã no mắt chứ chưa cần thưởng thức.
Cuối cùng chúng tôi nói qua chuyện dân gian làm mắm chù ụ. Chù ụ bắt về, rửa sạch rồi thả vô khạp da bò có pha sẵn nước muối. Thử độ mặn của muối bằng cách thả hột cơm nguội vào, hột cơm nổi lên trên mặt nước là được.
Chừng đầy khạp, người ta lấy lá dừa nước phủ lên, dùng cây chèn kín trên miệng. Độ ba hôm thì giở khạp ra, phân loại và sắp xếp lại. Chù ụ ốp (không chắc thịt) có thể ăn ngay, loại chắc thịt xếp riêng một keo khác. Sau đó, đổ nước muối ngâm lần đầu vào ngâm tiếp. Độ khoảng 5 – 7 ngày sau là chù ụ có thể ăn được. Phần nước muối còn lại trong khạp là chất tinh túy nhất, dùng để nấu nước mắm tuyệt ngon.
Mắm chù ụ tuy dễ làm như vậy, nhưng đôi khi do bảo quản không kỹ, bị nước mưa lọt vào, chù ụ bị trở (tức là bị hư), có mùi hôi, phải bỏ đi.
Khi ăn, người ta thường rửa từng con bằng nước sôi ấm. Tách mai, càng, chân, yếm ra từng phần. Cho tỏi, ớt, đường, khóm bằm nhuyễn, hoặc vắt nước cốt chanh vào trộn đều. Lấy dĩa đậy lại khoảng vài giờ sau chù ụ ngấm đều và dịu, ngon, ăn với cơm nguội sẽ ngon hơn. Ăn mắm chù ụ đã ngon, trứng chù ụ còn ngon hơn bởi nó có vị béo, bùi đằm.
Mới hay thiên nhiên ưu đãi và bằng trí tuệ của mình, người bình dân đã tận dụng vừa phục vụ đời sống vừa góp phần hình thành nét văn hóa truyền thống đậm đà sâu sắc.
VnCharm
Theo Dân Việt