Bưởi Khả Lĩnh ai nhớ, ai quên?
Thuật Cổ là một thôn nằm ở sát dòng sông Chảy. Gần 20 năm vùng quê này không thay đổi là mấy. Trong các vườn gia đình vẫn còn những cây bưởi gốc Khả Lĩnh được trồng từ năm, sáu chục năm trở lại đây, giờ đã cằn cỗi, mỗi năm chỉ ra dăm chục quả. Nếu tình trạng này tiếp diễn, vài chục năm nữa, giống bưởi gốc Khả Lĩnh sẽ bị thui chột. Làm thế nào để bảo tồn giống bưởi quý hiếm không thua kém gì so với bưởi Chí Đám?
Có dịp lên Đoan Hùng, ngược Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… chúng ta dễ nhận thấy mảnh đất này chính là quê bưởi. Bưởi ở đây được bày bán quanh năm, tập trung ở ba khu vực: Ngã ba Đầu Lô, đầu cầu Đoan Hùng và ngã ba Cát Lâm, đâu đâu cũng nhận được lời mời chào mua bưởi Chí Đám. Khi ăn thử thì đúng là bưởi rất ngon bởi hương vị rất riêng của nó. Nhưng khi mua về, thì tôi dám chắc chỉ có từ hai đến ba quả là bưởi gốc Chí Đám, còn lại là bưởi Sửu, bưởi Khả Lĩnh hoặc gọi chung là bưởi Đoan Hùng. Bưởi Sửu có nhiều ở phía bắc huyện Đoan Hùng tập trung ở các xã Quế Lâm, Bằng Luân, Bằng Doãn, Ngọc Quan, Tây Cốc… Tại sao gọi là bưởi Sửu? Khi tôi hỏi điều này thì một ông chủ vườn bưởi ở Bằng Luân trả lời: quả bưởi to và tròn hơn bưởi Chí Đám, khi đến mùa thu hoạch, vỏ bưởi có màu xanh nhạt, các nốt sần trên vỏ to hơn so với bưởi Chí Đám, khi gọt quả bưởi Sửu các múi, tôm bưởi to và mọng nước hơn, vị bưởi mát hơn… Ông chủ còn mách nhỏ đó là bí quyết để khi chọn mua bưởi khỏi nhầm lẫn giữa bưởi “Kinh” và bưởi Sửu. Hầu hết các hộ nông dân ở vùng này đều trồng bưởi trong vườn đồi, vườn nhà ít cũng dăm bảy cây, nhiều thì hai ba chục cây, trung bình mỗi cây có từ 150 đến 200 quả. Vào tháng 11, 12 âm lịch mỗi quả bưởi có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng, càng gần đến Tết, bưởi càng đắt, có khi lên tới 20.000 đến 25.000 đồng một quả, nếu không đặt trước có khi không mua được quả nào.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do tiếng tăm của loại bưởi đặc sản Đoan Hùng, sự giao thương được mở rộng thì việc mua bán đã len vào từng nhà, từng vườn bưởi và tình trạng bán, mua bưởi non đã xuất hiện. Sau tháng Giêng, khi mà hoa bưởi nở rộ, hương bưởi lan tỏa khắp vùng thì cũng là lúc các lái bưởi tại chỗ hoặc từ nơi khác đến đặt mua cả vườn ngày càng nhiều. Mua bưởi vào thời điểm này giá rẻ như bèo, khoảng vài nghìn đồng một quả. Chủ, khách cứ nhìn cây ra hoa nhiều hay ít rồi làm con tính đơn giản với nhau: Mỗi cây bình quân từ 150 đến 200 quả, trừ sai số 10%. Đến mùa thu hoạch, lái buôn lên thu bưởi rồi đưa về xuôi bán với giá cao gấp từ bảy đến mười lần so với giá mua bưởi non, nhiều lái buôn có hạng ở Việt Trì, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình… cho biết: Mỗi vụ cũng lãi được ba, bốn chục triệu đồng. Nghề buôn bưởi bây giờ lãi to, một vài thương lái còn thắng đậm bởi cái tiếng của bưởi “Kinh”, bưởi Sửu. Từ năm 2006 trở đi, bưởi Đoan Hùng đã được cấp thương hiệu xuất xứ, chắc chắn giá sẽ còn cao hơn nhiều.
Hiệp hội những người trồng bưởi Đoan Hùng trong quá trình lưu giữ, bảo tồn và phát triển giống bưởi xuất xứ Đoan Hùng chắc chắn đã đưa bưởi Chí Đám, bưởi Sửu Bằng Doãn, Bằng Luân, Tây Cốc, Quế Lâm… vào danh bạ, nhưng giống bưởi Khả Lĩnh trên đất Thuật Cổ được trồng từ năm, sáu chục năm trở lại đây thì chắc là không? Vị ngọt của bưởi Thuật Cổ pha hương vị mật ong cứ đọng mãi trong tôi, đi thăm vườn bưởi nhà anh Thọ, bác Việt, anh Xuyên… hương vị mật ong bầu cứ phảng phất quanh đây. Có phải từ những đàn ong bầu vẽ, những tổ ong dưới gốc bưởi kia đã tạo ra cho bưởi Thuật Cổ một hương vị rất riêng, hay là do khí hậu, thổ nhưỡng và cách trồng, chăm sóc của các hộ gia đình ở đây đã tạo ra một giống bưởi rất riêng chẳng nơi nào có được!
Dịp lên Thuật Cổ lần này, tôi chứng kiến cảnh người người, nhà nhà trong cái thôn nhỏ bé hẻo lánh này đi mua gom bưởi từ các nơi về để bán. Nhà anh Thọ, chú Long vốn đã chật hẹp, giờ thì chật kín bưởi. Các bà, các chị đang chăm chú phân loại bưởi để đựng vào bao tải, kịp chuyển ra xe khách đưa về Hà Nội, Thái Bình. Tôi hỏi anh Thọ tại sao không thu hoạch bưởi trong vườn nhà mà lại đi mua ở các xóm, xã khác, anh trả lời: Bưởi Thuật Cổ giống Khả Lĩnh trong vườn nhà chín muộn hơn so với loại bưởi này. Tháng 11, tháng 12 âm lịch mới thu hoạch được, thu hoạch vào dịp cuối năm, giá mỗi quả cao gấp từ 7 đến 10 lần so với bây giờ. Đã có nhiều khách hàng cứ tìm đến Thuật Cổ để mua gom bưởi, chờ giáp Tết bán kiếm lời. Họ cứ mua, bán như vậy mà chẳng thấy ông hiệp hội nào đến để dán tem công nhận thương hiệu bưởi xuất xứ Đoan Hùng, thế mà giá vẫn đắt như tôm tươi. Cũng có thể thương hiệu bưởi xuất xứ Đoan Hùng không bao hàm giống bưởi Thuật Cổ gốc Khả Lĩnh?
Thuật Cổ là một thôn nằm ở sát dòng sông Chảy, ở đây có nhiều rừng và đồi với hơn dăm chục hộ gia đình sinh sống từ bao đời nay. Gần 20 năm vùng quê này không thay đổi là mấy, có chăng là điện lưới và vài ki-lô-mét đường bê tông cùng một số nhà ngói mới. Trong các vườn gia đình vẫn còn những cây bưởi gốc Khả Lĩnh được trồng từ năm, sáu chục năm trở lại đây, giờ đã cằn cỗi, mỗi năm chỉ ra dăm chục quả. Nếu tình trạng này tiếp diễn, vài chục năm nữa, giống bưởi gốc Khả Lĩnh sẽ bị thui chột. Làm thế nào để bảo tồn giống bưởi quý hiếm không thua kém gì so với bưởi Chí Đám? Một vấn đề đặt ra là hiệp hội bưởi Đoan Hùng cần khảo sát thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thôn Thuật Cổ chiết ghép, ươm gieo cây con từ giống bưởi gốc Khả Lĩnh để bảo tồn và nhân ra diện rộng. Thương hiệu bưởi xuất xứ Đoan Hùng đã được công nhận, hiệp hội những người trồng bưởi của huyện cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, vấn đề còn lại là tuyên truyền, vận động nông dân Thuật Cổ-Quế Lâm và nông dân trong vùng như thế nào để trở thành phong trào nhà nhà trồng bưởi Khả Lĩnh, đồng thời bảo hộ thương hiệu xuất xứ bưởi đặc sản cho nông dân… Tất cả những việc làm đó không chỉ giữ gìn và phát triển giống bưởi Khả Lĩnh, mà nó còn tạo ra cho thị trường loại sản phẩm bưởi ngọt mang hương vị rất riêng của vùng quê Thuật Cổ trên đất Quế Lâm - Đoan Hùng.
VnCharm
Nguồn