Cha đẻ của rau quả “baby” tại Việt Nam
Làm thế nào để một gói rau xa lách sau một tuần vẫn còn tươi, không bị giảm vitamin khi không dùng chất bảo quản? Không nói gì, ông Hùng lấy bịch rau được đóng gói từ 2 ngày trước, xé bịch ni-long và xếp ra dĩa mời khách dùng kèm với ít dầu oliu và một ít thịt xông khói. “Chỉ đơn giản sử dụng kỹ thuật cho rau “ngủ” khi đưa vào đóng gói bằng cách tăng cac-bon giảm ô-xy để hạn chế quá trình trao đổi chất sau thu hoạch”, vừa nói ông vừa hướng dẫn tôi cách nhận biết tên, thời điểm thu hoạch rau, xuất xứ được ghi theo ký hiệu ở mỗi góc bì.
Ông được gọi là “tiến sĩ rau sạch” bởi cách trồng xen các loại cây để tăng đề kháng cho rau củ và cả kỹ thuật cho rau “ngủ” sau thu hoạch một cách khoa học độc đáo. Ông là Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên doanh Organik Đà Lạt, người đầu tiên mang công nghệ trồng rau sạch trồng trên vỉ xốp, trong nhà kính ở Pháp về áp dụng tại Việt Nam hơn 20 năm trước. Khi đó, khái niệm rau sạch còn khá mới mẻ với người Việt.
Ngày nay, không ít người trồng rau sạch tại Đà Lạt. Và giờ đã có một số trang trại, công ty có quy mô lớn hơn Organik. Song trồng rau hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ tại Đà Lạt vẫn còn là của hiếm. Và những gì Tiến sĩ Hùng đang làm tại Organik đáng là khâm phục.
Theo hướng về Trại Mát, trên Quốc lộ 20, chúng tôi đến trang trại Organik, cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 16 km. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng được bao bọc bởi những con suối và triền đồi thoai thoải ở thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, trang trại rộng trên 4 ha của Tiến sĩ Hùng thật phong phú với không phải hàng chục mà hàng trăm loại rau củ, được đầu tư công nghệ nhà kính, hệ thống phun tưới, công nghệ sơ chế hiện đại y như một số trang trại trồng rau quả tại miền Nam nước Pháp, giáp vùng biển Địa Trung Hải mà tôi từng được đến thăm.
Ngồi trong văn phòng chờ hơn 1 tiếng đồng hồ, ông Hùng mới đánh xe Jeep về đến. Từ ngoài sân, ông hỏi vọng vào: “Nhà báo thấy trang trại Organik thế nào?”. Không đợi trả lời, ông nói tiếp: “Địa hình của trang trại bảo đảm cho việc trồng rau sạch, đáp ứng được yêu cầu phòng chống lây nhiễm bệnh, hóa chất, thuốc tăng trưởng từ các trang trại xung quanh. Đó là yếu tố quan trọng để tôi chọn mảnh đất này”.
Năm 2006, trước khi thành lập Organik, ông đã được chuyển quyền sử dụng mảnh đất rộng hơn 4 ha này với giá gần 3 tỉ đồng. Đầu tư làm 5 nhà lồng kính hiện đại để trồng rau cũng hết gần 8 tỉ đồng. Ông cho biết: “Tất nhiên, giá đất ở đây bây giờ cao gấp mấy lần vậy rồi, còn tiền đầu tư thì… không biết bao nhiêu mà kể”. Chỉ riêng chiếc máy hút chân không để đóng gói rau củ tại Organik được nhập từ Úc cách đây hơn 5 năm đã trên 300.000 USD.
Organik đang nghiên cứu, ứng dụng kỹ năng di truyền, chọn lọc giống và trồng luân phiên 167 chủng loại rau củ quả, đã được Tổ chức EUREP-GAP (Thụy Sĩ) thẩm định và chứng nhận độ an toàn. Đặc biệt, những loại quả bí, cà chua bi, cà rốt, củ cải trắng, củ dền, dưa leo, ớt ngọt… tí hon được trồng tại trang trại Organik luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Ông Hùng cho biết các loại rau củ quả tí hon này đã có ở châu Âu mấy chục năm trước, tuy “baby” nhưng hàm lượng vitamin và độ dinh dưỡng trong một củ cà rốt tí hon tương đương với củ cà rốt bình thường. Chính vì lẽ đó, các sản phẩm rau củ này có giá đắt hơn rau quả bình thường. Đa số là các giống rau lạ, củ tí hon được ông mua giống từ Hà Lan.
“Mỗi loại rau, quả của Organik từ khi gieo hạt đến kỳ thu hoạch đều theo kế hoạch, có nhật ký đồng ruộng và ghi chép nghiêm ngặt”, anh Thọ, kỹ sư tại trang trại, giải thích.
Riêng rau mùi, Organik có gần 20 loại đủ màu sắc, mùi vị, hình thù khác nhau. Rau thơm cũng có cả hơn 15 giống. Các loại rau cải, xà lách thời gian trồng đến thu hoạch khoảng 1 tháng, các loại củ dền, cà rốt, củ cải tí hon thì trồng từ 2-3 tháng mới thu hoạch được. Tại TP.HCM, khu vực Thảo Điền, Quận 2, có cửa hàng chuyên bán các loại rau củ hữu cơ của Organik.
Phân bón hữu cơ được tận dụng chủ yếu từ phế phẩm nông nghiệp tại vườn và ủ theo công thức khoa học, không gây mùi. Và nước tưới rau là nước sau khi đã được đưa vào hệ thống sục khí để đẩy rác và các chất gây hại khác ra. Theo ông Hùng, cách làm này hiếm có trang trại nào tại Đà Lạt áp dụng. Cũng bởi không dùng hóa chất nên để trừ các loại sâu, rầy, ông đã nghiên cứu trồng các loại cây xen kẽ nhằm đuổi côn trùng. Chẳng hạn, hoa cúc hàng có nhiều phấn được trồng xen giữa các luống rau cải để dụ côn trùng, tránh bọ nhảy làm hỏng bẹ cải. Với cách làm này, trang trại còn có nhiều loại cam, chanh, xoài, hồng, bơ, ổi mà theo ông hùng là nhằm tạo ra tính đa dạng sinh học cho thiên nhiên, tăng sức đề kháng cho rau.
Không chỉ nghiên cứu và trồng rau củ trên những luống đất sạch, ông còn nghiên cứu trồng một số loại rau hữu cơ trên thân cây chuối. Nghiên cứu này đã được một nhà khoa học Mỹ, đồng nghiệp của ông, trong một lần đến thăm trang trại, vô cùng cảm kích. Ông Hùng giải thích: “Cây chuối sau khi thu hoạch quả thường bị chặt bỏ rất phí, trong khi thân cây rất giàu kali, tốt cho những người bệnh cao huyết áp. Có thể gọi đây là “xà lách chuối” phục vụ những người bị bệnh ung thư hoặc các bệnh nan y khác bởi sản phẩm sẽ không có bất kỳ chất hóa học nào”.
Sau khi thu hoạch, ông Hùng cho biết, toàn bộ rau củ sẽ được đưa vào máy rửa xử lý ozone, rồi chuyển sang máy sấy ly tâm. Và bước cuối là chuyển vào phòng vô trùng để đóng bao bì, gắn mã vạch, chuyển bằng máy bay, xe lạnh đến nhà hàng, khách sạn 4 – 5 sao ở Đà Lạt, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội và cửa hàng của Công ty tại TP. HCM.
Làm thế nào để một gói rau xa lách sau một tuần vẫn còn tươi, không bị giảm vitamin khi không dùng chất bảo quản? Không nói gì, ông Hùng lấy bịch rau được đóng gói từ 2 ngày trước, xé bịch ni-long và xếp ra dĩa mời khách dùng kèm với ít dầu oliu và một ít thịt xông khói.
“Chỉ đơn giản sử dụng kỹ thuật cho rau “ngủ” khi đưa vào đóng gói bằng cách tăng cac-bon giảm ô-xy để hạn chế quá trình trao đổi chất sau thu hoạch”, vừa nói ông vừa hướng dẫn tôi cách nhận biết tên, thời điểm thu hoạch rau, xuất xứ được ghi theo ký hiệu ở mỗi góc bì.
Hơn 3 tiếng đồng hồ trò chuyện với ông, dường như câu chuyện vẫn khó dứt khi đụng đến đề tài rau sạch. Những cây rau cải đầy sức sống, những củ dền baby xinh xắn này như đang có lực hút vô hình, mê hoặc ông. Ông lại say sưa kể tiếp, trước ông, có nhà đầu tư từ Úc, Nhật lên vùng đất LangBiang để trồng rau hữu cơ nhưng đã thất bại. Tại sao? “Họ giỏi nhưng chưa nghiên cứu kỹ di truyền giống thích ứng với thổ nhưỡng trước khi trồng. Một giống rau quả ở Nhật khó chịu nổi khí hậu mưa dầm đến 1.500 mm/ năm của Đà Lạt, chỉ một yếu tố nhỏ đó nhưng đôi khi nhà đầu tư không để ý đến”, ông Hùng cho biết.
Trung bình mỗi tuần, có khoảng 1,5 tấn rau củ từ Organik được cung cấp cho thị trường. Ông cho hay: “Nhu cầu còn cao lắm nhưng không đáp ứng nổi bởi để mở rộng sản xuất, chi phí đầu tư lớn lắm. Nhưng tiền chỉ là một vấn đề, tìm được đất còn chất, có vị trí phong thủy tốt đáp ứng yêu cầu khắt khe của việc trồng rau hữu cơ là rất khó. Đất nông nghiệp ở Đà Lạt bị mất chất nhiều do quá trình canh tác người ta quá lạm dụng chất hóa học”.
VnCharm
Theo NCDT