Đặc sản trái cây bên bờ sông Tiền Giang: Bưởi lông cổ cò
Lão nông Hai Tôn (Nguyễn Văn Tôn), 68 tuổi đời, đang là chủ sở hữu một cây đầu dòng - đặc sản "độc quyền" của xứ Cổ Cò ở Cái Bè, Tiền Giang - bưởi lông Cổ Cò.
Lão nông Hai Tôn (Nguyễn Văn Tôn), 68 tuổi đời, đang là chủ sở hữu một cây đầu dòng - đặc sản "độc quyền" của xứ Cổ Cò ở Cái Bè, Tiền Giang - bưởi lông Cổ Cò.
Cây bưởi có chu vi gốc 1,3m, bán kính tàn cây 11m. Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Long Định- Tiền Giang) lập lý lịch, quay phim chụp ảnh chọn làm cây đầu dòng của giống bưởi lông Cổ Cò. Đây là cây bưởi lông "nái" duy nhất còn sót lại trên đất Cổ Cò, đã có tuổi thọ trên 40 năm, vẫn cho bông trái bình thường, chất lượng tuyệt hảo.
Thiên hạ đồn rằng, cây bưởi này do ông Mai Văn Hương, một chủ vườn, trồng từ năm 1960 rồi truyền lại cho đến nay. Hồi xưa, xung quanh cây bưởi này toàn là ruộng lúa, chỉ mình nó đứng trơ trọi giữa đồng. Nhưng nay khu vực ấp An Lạc, xã An Thái Đông, nơi có "cụ bưởi" sinh sống, đã trở thành những vườn cây ăn trái đặc sản sum suê. Tuy nhiên, những đứa cháu của ông Hương vẫn nhất quyết giữ cây bưởi già để tưởng nhớ tổ tiên.
Nhẹ tay lột một múi bưởi vàng ươm, thơm lừng và hoàn toàn không có hạt, ông Hai Tôn chậm rãi kể: Những bậc cao niên chỉ nhớ mang máng là hồi xưa lắm rồi, ở sân sau nhà bà Cai Huỳnh (là cháu ngoại ông chủ Tư, một điền chủ trong vùng) mọc một cây bưởi lạ. Khi cây bưởi đơm hoa, kết trái, mọi người cứ trầm trồ vì trái bưởi không có hạt nào, mùi vị lại thơm ngon. Thấy trái bưởi non có một lớp lông tơ bao phủ mịn màng nên mọi người đặt chết danh là bưởi lông.
Giống bưởi ngon như vậy nên hồi xưa gia đình bà Cai Huỳnh cương quyết giữ rịt trong nhà, không truyền ra ngoài. Tuy nhiên đến năm 1960, khi gia đình này suy vi thì giống bưởi quý cũng không còn được canh giữ cẩn mật nữa. Lúc con cháu bà Cai Huỳnh chiết cành bán cho người thân quen thường bị mấy ông nhà vườn táo tợn lẻn vào cắt trộm. Từ đó giống bưởi này được nhân rộng đến khi bao phủ cả vùng Cổ Cò, trở thành thứ cây đặc sản của xứ này. Ông Hai Tôn lại cười ha hả: "Hồi xưa qua đây cũng là một trong những người từng ăn trộm bưởi nhánh của nhà bà Cai Huỳnh mang về trồng. Thấy giống bưởi quý nên ham quá, chịu hổng nổi đành... làm càn".
Nhờ cây đầu dòng, một thời ông Hai Tôn được mọi người gọi là "vua bưởi lông" bởi sự rành rẽ, niềm đam mê của ông với giống bưởi quý này và… cái chính là trong miếng vườn rộng 6.000m 2 của ông, dù chỉ còn chưa đầy chục gốc bưởi lông, nhưng nhờ biết cách chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên trái bưởi đẹp, thơm ngon.
Theo lời ông Hai Tôn, hiện nay những miếng vườn trong sâu, đất mới trồng bưởi lần đầu và nhà vườn ít xài phân hoá học thì bưởi vẫn tốt tươi, sai oằn trái. Khi mua chỉ cần chú ý lớp lông phủ mịn, tươi lâu là biết chắc nhà vườn sử dụng phương pháp trồng hữu cơ.
VnCharm
Nguồn: