Đặc sản trái cây Sapoche Mặc Bắc

Nằm bên bờ sông Tiền với lượng phù sa bồi đắp không ngừng, Tiền Giang nói chung và huyện Châu Thành nói riêng là vùng đất màu mỡ, tươi tốt kỳ diệu với những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, phục vụ nhu cầu thị trường trái cây sạch trong nước và xuất khẩu.

Nằm bên bờ sông Tiền với lượng phù sa bồi đắp không ngừng, Tiền Giang nói chung và huyện Châu Thành nói riêng là vùng đất màu mỡ, tươi tốt kỳ diệu với những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, phục vụ nhu cầu thị trường trái cây sạch trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Tiền Giang có khoảng 68 nghìn ha cây ăn quả, dẫn đầu các địa phương trong toàn quốc. Nơi đây, bên cạnh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo… còn có một loại trái cây đặc sản khác đó là Sapoche Mặc Bắc (hồng xiêm).

Huyện Châu Thành có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapoche, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Diện tích Sapoche trồng tập trung tại các xã nằm ven sông Tiền, phía nam huyện Châu Thành như Bàn Long, Kim Sơn, Phú Phong, Song Thuận... trong đó riêng xã Kim Sơn chiếm nhiều nhất với trên 600 ha. Sapoche có nhiều giống, phổ biến nhất là giống Mặc Bắc cho năng suất cao, trồng bằng nhánh chiết, chỉ sau 2 năm đã cho trái bói và 4 năm trở đi năng suất ổn định, bình quân đạt 20 tấn/ ha, cá biệt có thể đạt 30 tấn/ha/năm trở lên. Giống Sapoche Mặc Bắc còn có ưu điểm là cho trái rải vụ gần như quanh năm nên tránh được tình trạng trúng mùa, dội chợ khi trái cây Nam bộ vào chính vụ thu hoạch.
 
Việc chăm sóc trái sapoche này khá đơn giản, chủ yếu dùng phân hữu cơ, phân vi sinh như phân chuồng ủ hoai, cần tạo độ thông thoáng cho cây phát triển, hạn chế các đối tượng gây hại, nhất là rệp sáp và rầy phấn trắng thì cây sẽ luôn phát triển tốt, cho quả nhiều, to, thơm ngon. Cây sapoche cho trái quanh năm, cứ nửa tháng đến 20 ngày lại thu hoạch một lần nhưng thời điểm thu hoạch cao điểm là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
 
Năng suất sapoche bình quân đạt 20 tấn/ha/năm, giá bán buôn bình quân tại vườn là từ 14.000 – 15.000đ/kg, những năm gần đây, cao điểm có lúc lên đến 20.000đ/kg. Với mức giá này, nông dân thu lợi nhuận khoảng 120-150 triệu đồng/ha. Có đến xã Kim Sơn giờ đây mới thấy những vườn cây sapoche bạt ngàn trải rộng, vườn cây nối tiếp vườn cây che phủ bóng mát trên những tuyến đường bê tông dẫn vào ấp. Nhà cửa dần thay đổi, đời sống của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Cây sapoche đang là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và bền vững, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng.
 
Theo tài liệu của Trung tâm khuyến nông của tỉnh Tiền Giang, giống sapoche Mặc Bắc có thân cao, tán rộng hơn sapoche Xiêm, lá cây màu xanh nhạt, nhỏ, trái to nặng khoảng 200-300g; thịt trái mịn, thơm, hơi nhão và lạt hơn sapoche Xiêm. Giống sapoche này phát triển nhanh, mau cho trái và cho năng suất cao hơn sapoche Xiêm. Hiện nay, giống sapoche Mặc Bắc được người dân rất ưa chuộng. Trái sapoche Mặc Bắc khi chín có vị ngọt dịu, mùi thơm nhẹ, mát, dễ tan, rất có ích cho người già, trẻ em, người có bệnh dạ dày và đường ruột. Trái có hàm lượng Vitamin C từ 8,9-44,1 mg/100g; axít từ 0,09-0,15%; PH từ 5-5,3; đường tổng số từ 11,14-20,43%,...
 
Để phát triển bền vững cây Sapoche đặc sản, huyện Châu Thành đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội. Tổ hợp tác Sapo Mặc Bắc Kim Sơn được thành lập từ cuối năm 2011 với tổng số thành viên là 33 người, tham gia sản xuất trên diện tích 12ha. Ngày 08/1/2016, sapoche Mặc Bắc đã được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO cấp giấy chứng nhận VietGAP số VietGAP-TT-13-04-82-0020 cho diện tích 12ha. Đây thực sự là nỗ lực nhằm khẳng định thương hiệu, nâng khả năng cạnh tranh của trái sapoche Mặc Bắc Tiền Giang trên thị trường.
 

Bình luận của bạn