Hành tím Vĩnh Châu đạt chuẩn GlobalGAP

Từ nhiều năm nay, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thương hiệu hành tím Vĩnh Châu đã nổi tiếng, nay lại càng nổi tiếng hơn khi được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP...

Từ nhiều năm nay, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thương hiệu hành tím Vĩnh Châu đã nổi tiếng, nay lại càng nổi tiếng hơn khi được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP...

alt

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, hàng năm, nông dân thị xã Vĩnh Châu trồng từ 5.000 – 7.000ha hành tím và sau 2 tháng gieo trồng, sản lượng có thể lên đến 150.000 tấn. Chính hành tím đã giúp nhà nông thay đổi cuộc sống. Có năm, giá hành tím lên tới 20.000 đồng/kg, nông dân lời mấy chục triệu đồng/ha.

Theo nhiều nông dân, với giá hành khoảng 10.000 đồng/kg là đã có lời. Tính ra, giá trị từ cây hành Vĩnh Châu tương đương với 50.000ha lúa sản xuất trong 1 năm. Vì thế, sau con tôm, hành tím trở thành mặt hàng nông sản chủ lực thứ hai của thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các cấp chính quyền và ngành chức năng nơi đây là phải ổn định được diện tích, đảm bảo năng suất cũng như chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tiên là vận động nông dân từ bỏ sử dụng thuốc trừ sâu DDT trong bảo quản hành giống cũng như hành thương phẩm. Đây là việc làm hết sức khó khăn bởi “đánh thuốc” (từ thường dùng của nông dân Vĩnh Châu) đã trở thành thói quen từ nhiều năm. Do ý thức được điều này nên nông dân ở vùng hành tím Vĩnh Châu đã mạnh dạn nói không với thuốc trừ sâu DDT.

alt

Ông Thạch Sươl ở xã Vĩnh Phước cho biết: “Hồi trước, bảo quản hành là phải “đánh thuốc”, nhưng bây giờ, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bảo quản theo phương pháp khoa học, không sử dụng thuốc sâu nhưng chất lượng hành vẫn bảo đảm, bán dễ hơn nên chúng tôi không dùng nữa”.

Việc nói không với thuốc trừ sâu trong bảo quản hành đã đưa chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của hành tím lên cao, các doanh nghiệp từ nhiều địa phương đã về Vĩnh Châu mở trạm thu mua, sơ chế, xuất hành đi các nước.

Anh Trịnh Đức Vinh, chủ DN tư nhân Đức Vinh nhận xét: “Việc từ bỏ hóa chất DDT kịp thời là một thành công lớn cho hành tím Vĩnh Châu, vì hầu hết các nước nhập khẩu đều đưa ra tiêu chuẩn dư lượng hóa chất ngày càng khắt khe hơn”.

Sau thành công về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, “thừa thắng xông lên”, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu đã tiến hành làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “hành tím Vĩnh Châu”. Ngày 29/12/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành tím Vĩnh Châu cho Câu lạc bộ hành tím Vĩnh Châu (nay là HTX hành tím Vĩnh Châu), thuộc ấp Cà Lăng A Biển, xã Vĩnh Châu. Đây là nỗ lực lớn của lãnh đạo địa phương và Câu lạc bộ nhằm quảng bá thương hiệu hành tím Vĩnh Châu đến với người tiêu dùng.

alt

Vụ hành năm 2011, được sự hỗ trợ từ Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, HTX hành tím Vĩnh Châu và DN tư nhân Đức Vinh quyết định thực hiện mô hình sản xuất hành tím theo quy trình GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Sau hơn 1 năm triển khai tích cực, ngày 26/4/2012, xã viên HTX và DN tư nhân Đức Vinh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Anh Vinh cho biết: “Việc công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vừa giúp sản phẩm hành tím Vĩnh Châu vươn xa hơn, song cũng đòi hỏi HTX phải nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng. Vì vậy, cần có biện pháp giúp nông dân hiểu để mở rộng diện tích sản xuất hành tím theo quy trình GlobalGAP”.

Với tiềm năng sản lượng khoảng 150.000 tấn/năm, khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hành tím Vĩnh Châu nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung sẽ được quảng bá thương hiệu, có điều kiện gia nhập thị trường thế giới, từ đó ổn định và nâng cao giá trị hành tím.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Hành tím Vĩnh Châu đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nay lại được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đây quả thực là niềm hãnh diện của nông dân địa phương. Tuy nhiên, được chứng nhận là chuyện trước mắt, về lâu dài, việc sản xuất, bảo quản hành phải đúng quy trình kỹ thuật để ổn định năng suất, chất lượng nhằm giữ vững thị trường tiêu thụ”.

VnCharm

Nguồn:

http://hoinongdan.org.vn

Bình luận của bạn