Hồng không hạt Bảo Lâm đặc sản Lạng Sơn

Đến với xứ Lạng du khách được thưởng thức nhiều quả đặc sản như quýt Bắc Sơn, mận Thất Khê, lê Tràng Định, đào Mẫu Sơn…Tuy nhiên, nếu tính số lượng cây đặc sản được xây dựng chỉ dẫn địa lý tạo thương hiệu như hồng không hạt Bảo Lâm thì chưa nhiều. Cuối năm 2012 hồng không hạt Bảo Lâm đã lọt vào Top 50 loại quả đặc sản của Việt Nam.

Đến với xứ Lạng du khách được thưởng thức nhiều quả đặc sản như quýt Bắc Sơn, mận Thất Khê, lê Tràng Định, đào Mẫu Sơn…Tuy nhiên, nếu tính số lượng cây đặc sản được xây dựng chỉ dẫn địa lý tạo thương hiệu như hồng không hạt Bảo Lâm thì chưa nhiều. Cuối năm 2012 hồng không hạt Bảo Lâm đã lọt vào Top 50 loại quả đặc sản của Việt Nam.

Thị trường vẫn "khát" …

Nhiều người thích ăn Hồng không hạt Bảo Lâm vì đây là sản phẩm rất đặc biệt. Khi chín, quả có sắc vàng ánh hồng, thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt. Ông Nguyễn Thức Thi - Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sau gần 20 năm nghiên cứu về hồng Bảo Lâm, đánh giá: Việt Nam có khá nhiều vùng trồng hồng không hạt như Phú Thọ, Hà Tĩnh, Lâm Đồng… nhưng theo ông, hồng không hạt Bảo Lâm, Lạng Sơn là ngon hơn cả.

Không riêng người dân Bảo Lâm, tỉnh Lạng Sơn rất tự hào về loại hồng đặc sản không hạt. Tuy nhiên không phải ai muốn là cũng có thể được thưởng thức vì loại quả đặc sản này chưa có nhiều để bán đại trà trên thị trường vì nhiều nguyên nhân. Từ trước tới nay quả hồng Bảo Lâm chưa bao giờ bị rớt giá hay tắc ở đầu ra nhưng nhiều người dân Bảo Lâm vẫn chưa biết tận dụng cơ hội làm giàu với loại cây trồng này.

Hiện tại, hồng ở đây vẫn được trồng theo lối quảng canh và manh mún; diện tích hồng sau bao năm vẫn chưa được nhân rộng. Hồng chưa được trồng tập trung theo vườn, mà lại sống tạp giao trong rừng cùng với các loại cây khác, nên gặp khó khăn cho việc chăm sóc; được mùa, mất mùa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Là loại cây đặc sản có thế mạnh, dễ trồng và dễ bán, nhưng hồng không hạt bảo lâm vẫn chưa đáp ứng nguồn cung ra thị trường. Một lý do khác khiến hồng không hạt bảo Lâm khan hiếm, khó mua là do trồng hồng lâu cho thu hoạch, nếu trồng bằng dễ khoảng sau 12 năm mới được thu hoạch. Khó khăn về kinh tế, nhiều người dân chọn giải pháp trồng cây ngắn ngày cho thu hoạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà ít trú trọng đến loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao này.  

Nỗ lực phục tráng, phát triển giống hồng quý

Hồng không hạt Bảo Lâm đã chính thức được cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý 00032 tại Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14 tháng 11 năm 2012, sản phẩm này đã được thị trường tiêu dùng biết đến và ưu chuộng, nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, khi thương hiệu đang dần được khẳng định thì loại cây ăn quả đặc sản này lại có nguy cơ bị thoái hóa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện Cao Lộc có 122 ha diện tích trồng hồng không hạt Bảo Lâm, sản lượng trung bình mỗi năm 566 tấn tập trung ở các xã Bảo Lâm, Lộc Yên, Thạch Đạn, Thanh Lòa, thị trấn Đồng Đăng và một phần của xã Thụy Hùng. Trong vài năm trở lại đây, bệnh thán thư xuất hiện nhiều trên cây hồng khiến tỷ lệ đậu quả giảm đáng kể. Một số diện tích cây hồng lâu năm đang thoái hóa, xuất hiện loại sâu đục thân, ăn rỗng ruột nhiều cây đã chết. Để đối phó với loại sâu này, bà con đã sử dụng ống xi lanh bơm thuốc trừ sâu Vô-pha-tốc đậm đặc vào lỗ sâu đục. Cách làm này có hiệu quả, tuy nhiên để phát hiện bệnh, bà con phải thường xuyên đi thăm vườn, bẻ cành bị nhiễm bệnh rồi đốt. Phương pháp này ngăn chặn bệnh lan rộng nhưng ít nhiều cũng làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây đang thời kỳ sinh trưởng.

Từ khi cây hồng không hạt xuất hiện sâu bệnh trên diện rộng, Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở khoa học công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc để ngăn chặn bệnh và phục tráng loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng này. Trao đổi về những giải pháp nhằm phục tráng hồng Bảo Lâm trong thời gian tới, ông Chu Văn Đường, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn cho biết: ngành chức năng đang tích cực chỉ dẫn cho bà con trồng hồng phun thuốc. Đồng thời triển khai mô hình trồng hồng Bảo Lâm bằng phương pháp ghép cành, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học. Trồng bằng phương pháp ghép cành tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và nâng cao kinh nghiệm quản lý, bảo vệ cây hồng thì sau 3 năm đã sai quả. Thông qua việc thực hiện mô hình trồng hồng bằng phương pháp ghép cành sẽ nhanh chóng mở rộng, thay thế diện tích hồng bị chết.

Với sự nỗ lực của ngành khoa học, ngành nông nghiệp và địa phương, hy vọng diện tích hồng không hạt trên địa bàn huyện Cao Lộc sẽ tăng trở lại. Những phương pháp mới của Sở KH&CN Lạng Sơn đang áp dụng cũng hy vọng sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng cho hồng Bảo Lâm, đưa nó trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn và người trồng hồng không hạt Bảo Lâm đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các họat động xúc tiến quảng bá và giữ vững thương hiệu hồng không hạt Bảo Lâm, bởi họ luôn nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát triển tài sản quí giá: Hồng không hạt Bảo Lâm.

Bình luận của bạn