Khoai lang mật Đà Lạt
Khoai mật trở thành một “niềm nhung nhớ” của nhiều thực khách bởi độ bùi, độ ngọt đặc biệt thơm ngon. Khoai mật ngon nhất khi nướng lên, khoai sẽ chảy mật vàng sền sệt sôi lên rồi kẹo lại, thịt mềm nhưng không hề bị khô, cắn một miếng tan vào đầu lưỡi. Những ngày lạnh mà có một túi khoai mật thì đúng là không gì sánh bằng.
Khoai lang – món ăn dân dã gắn liền với bao làng quê Việt và tuổi thơ ấu của mỗi người, không đâu tại Việt Nam mà không trồng được khoai cả. Nhiều là vậy, nhưng không phải loại khoai lang nào cũng mang đến giá trị kinh tế cao như Khoai lang mật Đà Lạt. Một trong những sản phẩm làm nên “tên tuổi” đó chính là khoai lang dẻo. Khoai lang dẻo Đà Lạt được đánh giá là đặc sản nổi tiếng tiếng phố núi, xứng với những giọt mồ hôi đã đổ ra cho những giọt mật ngọt ngào. Sản phẩm rất an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là loại đặc sản hiếm hoi không bị làm giả, bị gắn mác giữa “rừng” đặc sản không rõ nguồn gốc.
Khoai lang mật nướng
Có lẽ vì thế mà khoai lang dẻo rất được du khách ưa thích khi chọn mua làm quà cho người thân, gia đình và bạn bè. Món quà dân dã này cũng xuất phát từ một vùng đất Đà Lạt: Tà Nung, xã nằm ngay dưới chân con đèo cùng tên, giáp ranh với huyện Lâm Hà. Từ hàng chục năm nay, những người dân khu hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt định cư tại thôn Cil Kut, Tà Nung đã mang thêm một nghề mới cho mảnh đất lành này, tiếp tục ươm những củ khoai lấy những giọt mật đậm đà.
Khoai lang dẻo
“Không phải loại khoai nào cũng có thể chế biến khoai lang dẻo, bởi vậy, nghề sấy khoai cũng chỉ được những gia đình có kinh nghiệm trồng và làm”, một người làm nghề lâu năm cho hay. Khoai để sấy phải là loại khoai lang mật Đà Lạt, dây khoai tía, khi đào lên củ có màu đỏ sậm, ruột vàng. Khác với các loại khoai khác chỉ trồng 4 tháng, khoai mật phải trồng tới 6 tháng, củ mới đủ độ đường như ý. Sau khi thu hoạch, bà con phải loại hết củ sùng, củ bầm dập, củ bị “lát” rồi ủ khoai trong 1 tháng. Ủ khoai cũng cần kỹ thuật, phải làm sao đủ ẩm để không bị khô nhưng phải đủ độ khô để không mọc mầm. Sau khi ủ, củ khoai đã “lên” độ mật như mong muốn và bắt đầu công đoạn sấy. Củ khoai được luộc hoặc hấp cho chín, gọt vỏ, xắt miếng và bỏ vào lò sấy. Lò sấy được làm khá đơn giản, chỉ là những vỉ sắt đặt thành dàn, ở dưới đốt lò than. Quan trọng là người sấy phải có kinh nghiệm canh lửa, không để lửa quá to hay quá nhỏ. Cứ sấy lửa chầm chậm liu riu chừng một ngày đêm, miếng khoai từ vàng nhạt sẽ sẫm lại, mật tứa ra, dẻo và ngọt quánh. Thế là mẻ khoai sấy đã hoàn thành, những miếng khoai dẻo được sấy đúng cách có thể để vài tháng mà vẫn ngon lành, hấp dẫn.