Khóm Cầu Đúc: Đặc sản Hậu Giang
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), nguồn gốc Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, khóm Cầu Đúc của Hậu Giang thuộc tiểu nhóm “Queen cổ điển”. Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn, ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không thối.
Khóm Cầu Đúc được xem là một trong ba mặt hàng đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Khóm Cầu Đúc không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa mà đã xuất ngoại sang tận Nga và Đông Âu. Hậu Giang có gần 1.500ha đất chuyên canh khóm, tập trung nhiều ở xã Hỏa Tiến (thị xã Vị Thanh). Do đặc thù của thổ nhưỡng, trái khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “khóm Cầu Đúc Hậu Giang”. Từ nay đến năm 2010, Hậu Giang đã có kế hoạch đầu tư giống, vốn cho nông dân để mở rộng diện tích trồng khóm lên 3.000ha.
Theo những người kỳ cựu, cây khóm bén chân ở xã Hỏa Tiến từ đầu thập niên 1930. Thấy giống tốt, dân địa phương nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn – từ đó cây khóm bám rễ, trụ vững đến ngày nay. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi-măng (do thực dân Pháp xây) bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm. Trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã gần một thế kỷ sống khỏe trên đất Hỏa Tiến, lan sang Vĩnh Viễn – cũng là đất phèn nhiễm mặn.
Vụ thu hoạch khóm rộ là vào cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch hàng năm. Thông thường một vụ khóm có thời gian kéo dài từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng. Khách có dịp đến đây vào những ngày thu hoạch khóm đông ken sẽ cảm thấy rất thích thú khi được hòa mình vào không khí lao động rộn rịp khắp nơi. Thanh niên đảm nhận phần việc chặt trái. Phụ nữ thì lo phần việc góp nhặt, tỉa ngọn, đưa lên xe và chuyển về.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), nguồn gốc Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, khóm Cầu Đúc của Hậu Giang thuộc tiểu nhóm “Queen cổ điển”. Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn, ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không thối.
Cây khóm Cầu Đúc cao trên 1 mét, trọng lượng 1,5-2kg/trái, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Ông Vu Suổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, khẳng định: “Cây khóm Cầu Đúc đem trồng địa phương khác cũng đất phèn nhiễm mặn thì phẩm chất trái giảm hẳn: nhiều xơ, lõi to, không giữ được màu vàng đậm, vị ngọt lịm như ở đây”.
Bà con ta sau một ngày lao động mệt nhọc, chiều về chỉ cần nồi canh chua khóm nấu với vài con cá rô đồng, cũng đã có món ngon để chặt dạ, ấm lòng. Khóm còn được xào thịt ba rọi chua ngọt hoặc kho với cá trê, cá he, cá mè vinh... rất ngon. Khóm Cầu Đúc còn là nguyên liệu thích hợp để chế biến nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường; kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga... Lá khóm có thể làm sợi, bột giấy; bã khóm là nguyên liệu tốt để chế biến thức ăn gia súc.
Khóm Cầu Đúc hiện có bán ở Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ. Du khách đến Hậu Giang có thể tìm mua khóm ở gian trưng bày tại chợ Cái Nhúc (chợ Vị Thanh ngày nay).