Làm giàu nhờ quýt hồng Lai Vung
Là trái ngon đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển bền vững, lại có giá trị kinh tế cao nên năm 2012 quýt hồng Lai Vung được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm trên phạm vi toàn quốc.
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có hơn 1.100ha đất trồng quýt hồng, tổng sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 45 nghìn tấn trái. Quýt hồng được trồng tập trung ở 4 xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và Vĩnh Thới. Trên địa bàn các xã này, bình quân mỗi nhà vườn trồng quýt hồng có ít nhất từ 5-70 công (1 ha=10 công). Mỗi công quýt hồng thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí mỗi mùa. Đa số các nhà vườn trồng quýt hồng ở Lai Vung đều là tỉ phú.
Ông Nguyễn Văn Ven (Sáu Ven) ở ấp Tân Mỹ - xã Tân Phước tự nhận mới chỉ là “trung gia”, chứ chưa phải đại gia xứ quýt. Năm 1986, ông khởi nghiệp trồng quýt hồng trên 2 công đất. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và “trái quýt thương người” nên gia đình ông ngày càng ăn nên làm ra, hiện đã có 18 công quýt. Để trồng quýt đạt hiệu quả cao, Sáu Ven vừa chịu khó học hỏi tìm tòi kinh nghiệm qua sách vở, vừa rước thầy về chỉ dạy. Các giáo sư, tiến sĩ khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ thường ghé lại vườn nhà ông để thu thập kinh nghiệm thực tế và truyền đạt cho ông đôi điều về kỹ thuật.
Tương tự như vườn quýt tốt tươi, trĩu trái mỗi mùa của ông Sáu Ven là vườn nhà ông Nguyễn Phước Triều ở xã Long Hậu. Vườn nhà ông Triều đã đăng ký trở thành “Điểm trình diễn sản xuất quýt hồng”. Đây là điểm điển hình trong số hơn 200 nhà vườn ở Lai Vung triển khai trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP (trên tổng diện tích hơn 100ha). Nhờ áp dụng các phương pháp sinh học hạn chế độc hại cho sự phát triển cây quýt (giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong mỗi mùa quýt; ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ…) nên trái quýt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP luôn tròn đều, màu sáng đẹp, không bị sâu bệnh, bán được giá cao (24.000-27.000 đồng/ký cân tại vườn). Mùa quýt tết vừa qua, vườn nhà ông Triều thu không dưới 40 tấn trái, lãi trọn nửa tỉ đồng.
Vườn quýt rộng 1,6ha của ông Lê Hữu Đạt ở xã Tân Thành khiến chúng tôi “mê mắt” với những chùm trái chín vàng treo nặng trên cành. Cành nào cũng được đỡ bằng “nạng” để tránh gãy đổ. Mỗi bờ đất rộng khoảng 3m trồng được hai hàng quýt. Giữa hai bờ đất là mương nước nuôi cây. Quýt hồng trồng 3 năm cho lứa trái đầu tiên, vòng đời mỗi cây không dưới 20 năm. Việc cho trái lâu năm này cũng là hấp lực khiến vùng chuyên canh quýt Lai Vung ngày càng phát triển. Ông Đạt cho biết việc làm vườn của ông khá “nhàn tản”: “Cắt cỏ, xịt thuốc cho cây đều dùng máy, còn tưới nước thì đã có hệ thống tưới bằng điện, tui kéo cầu dao là nước phun xịt khắp vườn, sau đó máy sẽ tự động ngưng theo chế độ cài sẵn”. Hệ thống phun tưới nước được ông Đạt đầu tư gần trăm triệu đồng. Nhưng hề gì, chỉ cần một năm được mùa là “lấy lại vốn”.
Vụ chính của quýt hồng bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng giêng âm lịch hàng năm. Nhưng để có trái bán quanh năm, các nhà vườn ở Lai Vung thường chia vườn ra thành hai hoặc ba mảnh trồng lệch tháng. Việc trồng và chăm sóc lệch thời gian như vậy, quýt sẽ cho trái bán nối vụ (mảnh vườn này vừa hết trái thì trái của mảnh vườn kia bắt đầu chín tới). Quýt bán nối vụ bao giờ cũng được giá hơn quýt đúng mùa. Cách đây hơn mười năm, khi chưa có đê bao chống lũ, người trồng quýt hồng Lai Vung cũng khá lao đao. Mỗi mùa nước về “ngâm” vài tháng, cây ngập úng chết hàng loạt. Nhắc về “kỷ niệm” này, ông Sáu Ven phấn khởi cho biết: “Ngày xưa khổ vậy nhưng bây giờ nhà vườn khoẻ rồi. Có đê bao, nước lũ cứ lũ, mình chổng cẳng ngủ khò. Mùa khô thiếu nước thì đã có máy bơm”.
Cây quýt hồng chẳng những cho trái bán giá cao mà các phần còn lại của cây cũng được tận dụng không bỏ phần nào. Cành quýt giòn khô dùng làm chất đốt, hoa quýt rụng được nhà vườn nhặt phơi chiết xuất tinh dầu, trái quýt hư rụng được lột lấy vỏ rửa sạch phơi khô bán từ 10.000-18.000 đồng/kg (làm trần bì - một vị thuốc bắc)…. Ông Đạt cho biết, có mùa ông bán không dưới 5 tạ vỏ quýt phơi khô. Bên cạnh việc thu hoạch trái, nhiều nhà vườn quýt hồng còn chiết nhánh nuôi bán giống với giá từ 15.000-20.000 đồng/nhánh. Ông Lưu Văn Ràng ở ấp Hoà Khánh (xã Vĩnh Thới) “sáng kiến” ra việc chiết cành quýt có nhiều trái ra chậu nuôi thành cây cảnh bán với giá 2 triệu đồng/chậu. Chỉ riêng “sáng kiến” này, mỗi mùa tết ông Ràng bỏ túi thêm vài trăm triệu đồng. Trồng quýt giàu lên nhanh chóng nên các vùng chuyên canh quýt ở Lai Vung hầu như không sợ bị trộm. Ông Triều bảo: “Nhà nào trong làng cũng trồng quýt thì trộm cắp làm gì!”. Chính vì nhà nào trong làng cũng trồng quýt nên việc tìm thuê nhân công làm vườn khá khó khăn. Công chăm sóc vườn, tưới cây, hái trái… kêu giá từ 150.000- 200.000 đồng/người/ngày mà cũng không có người để thuê. Cuối cùng nhà vườn phải sử dụng nhân công từ nơi khác đến với giá thuê cao hơn, thậm chí còn phải bao ăn ở.
Là trái ngon đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển bền vững, lại có giá trị kinh tế cao nên năm 2012 quýt hồng Lai Vung được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm trên phạm vi toàn quốc. Cũng trong năm này, quýt hồng Lai Vung được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (trồng theo tiêu chuẩn sinh học đạt hiệu quả cao) trên những vùng chuyên canh rộng lớn. Hướng tới một tương lai phát triển cho quýt hồng Lai Vung, bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, địa phương luôn khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng quýt hồng. Mặt khác, huyện cũng sẽ tiến hành xây dựng nhà máy đóng gói quýt hồng tại chỗ để xuất sang thị trường Trung Quốc và Campuchia.
VnCharm
Nguồn