Làm giàu từ dâu tây

Sau thời gian tìm hiểu, thấy nhu cầu quả dâu tây (đặc sản của Lâm Đồng) của du khách rất lớn, Phòng Nông nghiệp huyện đã mở các lớp tập huấn trồng dâu tây cho bà con. Chưa tin vào loại cây trồng mới, nhiều người đã rất e dè. Nhưng sau khi thấy ông Cil Roan tiên phong thu được lợi nhuận cao, hàng chục gia đình khác đã làm theo.

Ba năm trước, với đồng bào người Kơ Ho ở thôn Bon Dưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cái nghèo luôn là nỗi ám ảnh. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm thay đổi cách làm ăn, 70 gia đình nơi đây đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một thời lam lũ

Ông Cil Roan (thôn Bon Dưng 1) có 5 sào đất. Hết cải thảo đến hành tây, cà rốt… người quanh năm quần quật, đất cũng chẳng nghỉ ngơi nhưng chưa bao giờ ông Cil Roan có được một khoản thu nhập kha khá.

“Năm trúng mùa, mỗi sào đất may ra kiếm được chừng hơn chục triệu, lỡ mất giá là cái đói đến liền”- ông Cil Roan nhớ về một thời gian khổ.

Ở Bon Dưng 1, chẳng riêng gì ông Cil Roan, hàng chục gia đình khác cũng chung cảnh ngộ đó. Đất đai ít ỏi, lại không có tiền để đầu tư được cái gì lớn lao nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Ông K’Ra Jan Sron kể lại: “Nhà chỉ có 3 sào đất, trồng tỉa quanh năm nhưng chưa bao giờ đủ ăn. Bao nhiêu năm qua, nếu không có tiền trợ cấp của Nhà nước có khi đã chết đói”.

alt

Nằm ngay dưới chân Lang Biang, nơi hàng ngày đón hàng trăm khách du lịch chẳng lẽ không có cách gì giúp dân làm giàu?

Sau thời gian tìm hiểu, thấy nhu cầu quả dâu tây (đặc sản của Lâm Đồng) của du khách rất lớn, Phòng Nông nghiệp huyện đã mở các lớp tập huấn trồng dâu tây cho bà con. Chưa tin vào loại cây trồng mới, nhiều người đã rất e dè.

Nhưng sau khi thấy ông Cil Roan tiên phong thu được lợi nhuận cao, hàng chục gia đình khác đã làm theo.

Mỗi sào đất lãi hơn 50 triệu/năm

“Lúc mới nghe cán bộ vận động, mình tỏ ý nghi ngờ. Nhưng lại nghĩ, làm theo cách cũ đằng nào cũng đói nên tôi đánh liều trồng thử 1 sào”- ông Cil Roan kể lại ngày đầu trồng dâu tây.

3 tháng sau, nhờ đã nắm vững được kỹ thuật từ các lớp tập huấn, vườn dâu của ông Cil Roan đã cho thu hoạch. Cứ 2 ngày, ông lại thu về được 30kg quả, bán được 1,2 triệu đồng.

Chẳng nghi ngại gì nữa, ông Cil Roan quyết định dùng hết 5 sào đất để trồng dâu tây. Chỉ sau 3 năm, với mức thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí, gia đình ông Cil Roan đã không chỉ có nhà cửa “hoành tráng” mà còn có tiền để gửi ngân hàng.

Từ thành công của ông Cil Roan, hàng chục hộ dân khác cũng học hỏi làm theo. Sau 3 năm, chỉ với 30ha dâu tây, đã đem lại cuộc sống ấm no cho 70 hộ đồng bào dân tộc Kơ Ho.

“Nhà chỉ có 3 sào đất nhưng giờ mỗi năm tôi thu về được hơn 170 triệu, hết lo đói rồi”- ông K’Ra Jan Sron, ngụ thôn Bon Dưng 1, thị trấn Lạc Dương kể lại: “Gia đình mình có 3 sào đất, trước đây trồng rau, cà rốt nhưng không đủ ăn. Vào lễ, tết cứ phải nhận tiền trợ cấp.

Đứng trước những vườn dâu tây trĩu quả, những ai đã từng đến đây đều không thể ngờ được những đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. “Vài năm trước, nơi đây vẫn còn hơn 20% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo đói.

Vậy mà chỉ sau 3 năm, nhiều gia đình không chỉ mua sắm được các phương tiện đi lại hiện đại trị giá hàng chục triệu đồng, những vật dụng đắt tiền như tủ lạnh, lò vi sóng… mà còn xây cất được nhà cửa kiên cố, rộng rãi, không ít gia đình còn có sổ tiết kiệm bỏ ngân hàng...”- ông Trần Quang Kỳ - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lạc Dương cho biết.

 

VnCharm

Theo danviet

Bình luận của bạn