Mãng cầu Bà Đen, niềm tự hào hương vị Tây Ninh
Mãng cầu là loại cây ăn quả nhiệt đới rất phổ biến ở nước ta, có từ Bắc chí Nam, nhưng chỉ ở miền Đông Nam bộ mới có vùng sinh thái phù hợp để có thể tạo nên vùng chuyên canh mãng cầu có sản phẩm hàng hoá cung cấp quanh năm cho thị trường.
Mãng cầu là loại cây ăn quả nhiệt đới rất phổ biến ở nước ta, có từ Bắc chí Nam, nhưng chỉ ở miền Đông Nam bộ mới có vùng sinh thái phù hợp để có thể tạo nên vùng chuyên canh mãng cầu có sản phẩm hàng hoá cung cấp quanh năm cho thị trường.
Hiện nay ở miền Đông Nam bộ có một số vùng trồng tập trung mãng cầu như khu vực các huyện Tân Thành, Đất Đỏ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực các huyện Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai, mỗi khu vực có khoảng 1.200 ha đất trồng mãng cầu. Riêng ở Tây Ninh, chỉ ở khu vực các xã ven chân núi Bà Đen: Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh đã có tới trên 3.000 ha mãng cầu, cung cấp cho hơn 40% thị phần trên cả nước.
Mãng cầu (tên khoa học là Annona squamosa L) là loài cây ăn quả nhiệt đới thuộc chi Na, có nguồn gốc ở vùng Caribê, châu Mỹ, với tên gọi phổ biến của mãng cầu ở các nước vùng này là Annona. Ở nước ta, khi được du nhập vào Việt Nam, có lẽ Annona được gọi theo phiên âm cuối của tên gốc cho dễ nhớ là “na”. Ở miền Nam na được gọi là mãng cầu, với nhiều loại mãng cầu dai, mãng cầu bở, mãng cầu thanh long, mãng cầu giấy, mãng cầu tím, mãng cầu da cóc... phổ biến nhất là mãng cầu dai. Hiện nay ở khu vực núi Bà Đen, Tây Ninh hầu như 100% nhà vườn chỉ trồng mãng cầu dai.
Trái mãng cầu Bà Đen có hình khối cầu dạng trái tim tròn, trước khi chín có màu xanh lục, khi chín màu xanh sáng hơi vàng. Vỏ ngoài trái có nổi nhiều múi núm chỏm hoặc lì, giữa các núm có khe, khi chín thì nở lớn ra thành các rãnh màu trắng. Mỗi trái có đường kính trung bình trên dưới 7,8 cm, trọng lượng trung bình trên dưới 179,6 g; số trái trung bình mỗi kg khoảng 5 trái; năng suất trung bình mỗi cây khoảng 10kg. Nạc trái mãng cầu Bà Đen (phần ăn được) còn gọi là cơm, có màu trắng ngà, các múi dính liền nhau, dai, ráo. Tỷ lệ nạc trái khoảng 70%. Độ ngọt (tính theo độ Brix) khoảng 25%.
Đặc biệt về hương vị có người cho rằng mãng cầu Bà Đen có hương thơm hoa hồng. Phẩm chất dinh dưỡng của trái mãng cầu Bà Đen có tỷ lệ đạm, đường tổng, năng lượng (calories) cao với độ pH trung tính, ngoài ra trong nạc trái mãng cầu còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, sắt, canxi, magiê, natri, kẽm, đồng, măng-gan.
Với các yếu tố khí tượng thuỷ văn đặc thù phù hợp với cây mãng cầu, các hộ nhà vườn trồng mãng cầu ở khu vực núi Bà Đen có thể canh tác một năm 2 vụ. Kỹ thuật canh tác của các hộ nhà vườn ở đây từ lâu đã phát triển theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững. Cùng với việc chọn thời vụ canh tác, xử lý ra hoa vào các tháng khác nhau mà trái mãng cầu có quanh năm.
Đặc biệt vào dịp Tết, gần như không có nơi đâu có mãng cầu ngoài vùng núi Bà Đen. Trong khi đó mãng cầu là một trong những loại trái cây ngon, lành, lại có tên đẹp thoả mãn lời cầu nguyện tâm linh khi cúng bái, lễ tết, do dó, mãng cầu Bà Đen thường được chọn để bày mâm ngũ quả, cũng như dùng làm quà cho người thân trong những dịp giao tiếp.
Có thể nói với kỹ thuật canh tác gắn liền với các điều kiện đặc thù về địa lý, khu vực các xã chân núi Bà Đen và vùng phụ cận đã trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước với khoảng 3.000 ha và quy hoạch dự kiến khoảng 5.000 ha. Mãng cầu Bà Đen có mặt trên tất cả các thị trường tiêu thụ lớn của cả nước, đồng thời còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới…Vào vụ thu hoạch chính, tháng 8-9 sản lượng mãng cầu Bà Đen khoảng 3.000 tấn đến 3.500 tấn/ tháng.
Vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng mãng cầu Bà Đen đạt khoảng 3.000 tấn/ tháng. Ngay cả các tháng 3 - 4 - 5, sản lượng cũng đạt gần 1.000 tấn/ tháng. Tỉnh Tây Ninh đang tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ về bảo hộ địa danh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu được trồng ở khu vực núi Bà Đen và vùng phụ cận núi Bà. Đây là cơ sở cho thương hiệu trái cây đặc sản mãng cầu Bà Đen được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước và bạn bè quốc tế biết đến.
VnCharm
Nguồn: