Mùa măng rừng xứ Lạng

Măng rừng ở núi Mẫu sơn (Lộc Bình – Lạng Sơn) chủ yếu là măng tre khoang lài, sặt. Tre khoang lài, sặt có thân nhỏ, chịu nắng hạn tốt, mọc cheo leo trên sườn núi. Mùa hè, nắng nóng như thiêu đốt, thân tre gầy rạc, lá úa vàng xơ xác, nhưng chỉ cần một trận mưa là um tùm xanh tươi. Mùa măng rừng thường từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch. Khi những cơn mưa đầu mùa ẩm ướt qua đi cũng là lúc những mầm măng vươn mình, nhú lên khỏi mặt đất. Đó cũng là thời điểm người dân Xứ Lạng lên rừng hái măng.

Mùa măng rừng thường từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch. Khi những cơn mưa đầu mùa ẩm ướt qua đi cũng là lúc những mầm măng vươn mình, nhú lên khỏi mặt đất. Đó cũng là thời điểm người dân Xứ Lạng lên rừng hái măng.

Đồng ra đồng vào... nhờ măng

Sương sớm còn bủa vây dãy núi Mẫu Sơn, người dân ở xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình- Lạng Sơn) đã cơm đùm, cơm nắm vào rừng hái măng. 

Măng rừng ở núi Mẫu sơn (Lộc Bình – Lạng Sơn) chủ yếu là măng tre khoang lài, sặt. Tre khoang lài, sặt có thân nhỏ, chịu nắng hạn tốt, mọc cheo leo trên sườn núi. Mùa hè, nắng nóng như thiêu đốt, thân tre gầy rạc, lá úa vàng xơ xác, nhưng chỉ cần một trận mưa là um tùm xanh tươi. 

Khi những cơn mưa Xuân kéo dài nhiều ngày thấm ướt cánh rừng, những thân tre già cựa mình uống nhựa đất mà nảy những chồi măng nhú lên đầy sức sống. 

alt

Măng rừng như thứ lộc của rừng, là nguồn thu nhập ngoài nương rẫy, ruộng vườn của những gia đình đồng bào dân tộc vùng cao, là loại “lâm sản” được nhiều người vùng xuôi ưa thích. 

Chị Hoàng Thị Cọ ở thôn Khuổi Tẳng cho biết: “Mùa này, việc nương rẫy đã hoàn thành, mưa xuống, măng lên, bà con dân bản theo đường mòn, ngược rừng hái măng. Măng sặt, khoang lài chỉ to bằng ngón chân cái, mỏng và mềm nên bẻ loại này cũng đơn giản. Tiếp đến là công việc bóc vỏ, măng rừng là loại măng rất ngứa, vỏ mỏng nên đòi hỏi người bóc phải có nhiều kinh nghiệm”. 

Cánh rừng thâm u, sau nhiều tháng dài hạn hán, đất khô rang, chỉ cần một trận mưa, những mầm măng lập tức đội đất nhô lên. Theo những cư dân địa phương cho biết, thường thì mùa măng rừng kéo dài từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 Âm lịch.

Trong khoảng thời gian này, hầu như gia đình nào cũng đều có người vào rừng hái măng. Dân bản ví mùa này là mùa đi hái “lộc” rừng. “Nhờ có những mùa măng như thế này mà gia đình mình có đồng ra đồng vào, con cái có sách vở đến trường học chữ”- anh Triệu Chằn Phúc ở thôn Khuổi Tẳng, nói. 

Đến cuối tháng 3, khi măng quá lứa thành cây tre non, người dân lại khai thác “măng rừng”. Lúc này măng đã thành cây tre, măng sặt, khoai lài cao quá đầu người nhưng vẫn còn non, ngọn măng vẫn còn ăn được, con người dùng sức rung mạnh cây, ngọn măng gãy và rơi xuống, đem về luộc kỹ là dùng được.

Loại này ăn đắng hơn, nhưng lại được nhiều người chuộng bởi cái vị đắng của nó. Khi róc lớp áo bao bọc bên ngoài, “măng rừng” không còn trắng nõn như măng mầm mà có màu trắng xanh. Ở các nhà hàng, “măng rừng” chấm mắm tôm hoặc xé nhỏ đem sào với lá chanh, lá mắc mật đã trở thành “đặc sản”, rất được thực khách ưa dùng.

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng

Nghề hái măng rừng khá vất vả. Phải đi từ sáng sớm, phải leo núi, xuyên rừng. Rừng bị tàn phá nhiều, cây sặt, khoang lài bị chặt hạ, đốt làm rẫy nên măng cũng hiếm dần. Muốn hái được nhiều măng phải vào tận rừng sâu, có khi đi cả ngày mới được một gùi măng mang về, róc vỏ, đem luộc sơ rồi bán. 

Chị Triệu Thị Múi, 35 tuổi, người có hơn 10 năm kiếm sống bằng công việc hái măng rừng trong thôn Khuổi Tẳng chia sẻ: “Đi tìm măng vất lắm! 5h sáng bắt đầu đi vào rừng, gói cơm, mang nước đi theo, nhiều hôm bị trượt chân ngã không may va phải cây bị chảy máu, bị đau chân nhưng vẫn phải cố đi tiếp để chiều có măng ra chợ bán lấy tiền đong gạo, mua sách vở và tiền đóng học cho con, ngày lấy được nhiều thì bán được khoảng 200.000 đồng".

alt

"Măng bây giờ không sẵn như ngày trước nên tìm hái cũng khó khăn hơn. Gai, gốc tre cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu; rồi sau đêm mưa, rừng ẩm ướt nên vắt nhiều, bám vào chân người hút máu; lại ruồi vàng, rết cắn... Nhưng, rẫy ít, công việc không có, cũng phải chịu khó. Dù gì thì măng cũng được coi là “lộc” rừng, là nguồn thu nhập chính của dân bản vào những ngày nông nhàn”. 

Cũng theo chị Múi, măng hái về, nếu đem bán ngay thì giá thấp, còn nếu qua chế biến sẽ được giá hơn. Cách “chế biến” đơn giản nhất là luộc. Măng được lột sạch vỏ, dùng que nhọn đâm thủng các “mắt” bên trong rồi bỏ vào nồi, bắc lên bếp lửa.

Măng luộc vừa chín tới là vớt ra, để ráo nước, đem nhập cho tư thương. Khi thời tiết thuận lợi, nắng to, khi măng đang ở chính vụ, chưa được giá thì sau khi luộc, dùng dao róc mỏng, đem phơi thành măng khô nhập cho các đại lý. Măng rừng ngon, lại không có hoá chất độc hại nên hiện rất được thị trường ưa chuộng.

Chính vì thế nên măng rừng của người dân vùng cao cũng được nhiều thương lái vào tận nơi thu mua, dân bản hái được chừng nào là tư thương thu mua chừng đó.

Mùa này, lên với huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), dọc đường đi, người ta bày bán rất nhiều măng. Măng nguyên vỏ, măng đã qua sơ chế, măng chua, măng ngâm ớt. Những phiên chợ ở thị trấn Lộc Bình, chợ Bản Ngà (huyện Cao Lộc) hình ảnh những phụ nữ trên lưng mang những gùi măng nặng từ các bản xa ra chợ đã trở thành quen thuộc với khách xa.

Trên những chuyến xe, những xâu măng củ, những giỏ măng luộc, những hộp măng chua... trở thành món quà đặc sản núi rừng không thể thiếu của những người miền xuôi khi lên đây công tác trở về. 

Vào bản làng vùng cao mùa này, những bếp lửa luộc măng bập bùng trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng. Mùi măng hăng hăng, ngòn ngọt thoang thoảng quyện theo những ngọn khói trên những nóc nhà sàn.

Với dân bản nơi đây, dù công việc đi hái măng trong rừng sâu khá vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng rất có ý nghĩa, bởi thu nhập từ những gùi măng đã phần nào đỡ đần gia đình họ trong những lúc khó khăn để đợi chờ mùa thu hoạch trên nương rẫy.

VnCharm

Nguồn: mua-mang-rung-xu-lang

Bình luận của bạn