Người dân Khmer miền Tây thu lợi từ mãng cầu trồng trên núi
Trái mãng cầu Bảy Núi, An Giang trồng trên cao tuy không to, đẹp nhưng lại rất thơm ngọt vì không sử dụng phân, thuốc. Đây được xem là trái cây sạch của người Khmer ở miền Tây.
Trái mãng cầu Bảy Núi, An Giang trồng trên cao tuy không to, đẹp nhưng lại rất thơm ngọt vì không sử dụng phân, thuốc. Đây được xem là trái cây sạch của người Khmer ở miền Tây.
Năm nào cũng vậy, mùa mưa cũng là lúc người dân Bảy Núi, An Giang tất bật thu hoạch mãng cầu ta từ trên núi xuống đồng bằng để tiêu thụ. Ông Bùi VănThông ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có 3 ha trồng rừng xen mãng cầu ta cho biết, mãng cầu rất thích hợp với vùng đất núi. Đây cũng là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc lại nhẹ chi phí đầu tư, chỉ khoảng 2 năm đã cho trái. Bình quân, sản lượng mãng cầu đạt từ 20 đến 30 kg/cây. Chính những vườn mãng cầu trĩu quả mang vị ngọt từ nhiên đã giúp cho hàng trăm nông dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.
Mãng cầu Bảy Núi trồng không sửa dụng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ không khí mát mẻ trên núi cao, chất lượng quả khá ổn, rất hút khách khi xuống bán ở đồng bằng. Nhiều nhà vườn cho biết, mãng cầu là loại cây dễ trồng và dễ chăm. Mỗi năm, người trồng chỉ bón cho cây từ 2 đến 3 đợt phân chuồng, để tăng độ ngọt cho trái. Là loại trái đặc sản, được nhiều người yêu thích, song theo ông Quách Văn Hiền, Cán bộ trạm Kiểm lâm Tà Lọt, huyện Tri Tôn, An Giang, mãng cầu trồng trên núi đạt năng suất thấp, cây dễ bị bệnh lý. Mùa mãng cầu Bảy Núi thường bắt đầu từ tháng 6 và chấm dứt vào cuối tháng 7 (âm lịch). Thường, cứ 3 ngày, nhà vườn lại hái trái một lần. Mãng cầu được trồng tập trung nhiều nhất ở hai huyện miền Núi Tri Tôn và Tịnh Biên với diện tích khoảng hơn 100ha. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, loại quả này còn được xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước lân cận, trong đó có Campuchia.
Một phần trái sau khi hái được bán ngay ven đường. Những ngày này, chạy dọc theo con lộ từ Chi Lăng đến hương lộ 17 thuộc An Giang, người đi đường dễ dàng bắt gặp những giỏ mãng cầu đầy ắp xếp hai bên đường để bán cho cho khách du lịch.
Trồng mãng cầu bình quân mỗi hecta cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Thương lái Xích Sóc Khanh ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cho biết, mãng cầu ngoài bán tại chỗ còn xuất sang Campuchia và chuyển về bán tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện giá thu mua tại vườn từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, lúc cuối vụ tăng lên 17.000 đến 22.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng ấp Tà Lọt, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết: “Hiện tại, mãng cầu được xem là cây giảm nghèo cho vùng nên nhiều bà con đang bắt đầu tăng diện tích. Cây chủ yếu được trồng xen dưới tán rừng bằng cách cho phát triển tự nhiên không cần đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Cứ mùa mưa đến cây tự thay lá, ra bông và cho trái”.
Theo lời người dân, trước đây, việc thu hoạch mãng cầu khá vất vả, do người dân phải gánh trái xuống dưới đồng bằng. Ngày nay, đường núi được mở, người dân sau khi hái trái, bỏ vào giỏ, thồ bằng xe gắn máy. Mừng nhất là phần lớn trái đều đã được các tiểu thương đặt hàng từ trước khi xuống núi. Nguyên nhân loại trái này đắt hàng, theo Phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên, là "tem bảo hành" hành sạch cho loại nông sản này.
Người trồng mãng cầu ở An Giang phần lớn là người dân tộc Khmer. Kiếm tiền khá ổn từ cây mãng cầu, nhưng người trồng cho biết khó chủ động được nguồn nước tưới. Tính đến thời điểm hiện tại, mãng cầu ở An Giang sinh trưởng và phát triển tốt vẫn phần lớn dựa vào lượng mưa ít ỏi hàng năm.
Ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo, để mãng cầu cho chất lượng tốt và ra trái nghịch vụ, đem về thu nhập tốt hơn, người trồng cần áp dụng các phương pháp như dùng thuốc cho cây rụng lá, sau đó tưới nhiều nước để cây ra lá non, ra bông, đậu trái.
VnCharm
Theo Zing