Nhãn Da Bò Vĩnh Long
Vĩnh Long còn nổi danh về nhãn. Nhãn không kén đất nên dễ trồng. Đất cù lao Vĩnh Long trồng sum xuê không biết cơ man nào là nhãn, như cả ba xã cù lao ở Long Hồ đều trồng nhãn, nhiều đến nỗi người ta gọi là ruộng nhãn mới đúng hơn là vườn nhãn. Đặc sản của nó xưa là nhãn Thái Lan, nay có nhãn da bò, nhãn lông, nhãn hạt tiêu.
Vĩnh Long còn nổi danh về nhãn. Nhãn không kén đất nên dễ trồng. Đất cù lao Vĩnh Long trồng sum xuê không biết cơ man nào là nhãn, như cả ba xã cù lao ở Long Hồ đều trồng nhãn, nhiều đến nỗi người ta gọi là ruộng nhãn mới đúng hơn là vườn nhãn. Đặc sản của nó xưa là nhãn Thái Lan, nay có nhãn da bò, nhãn lông, nhãn hạt tiêu. Ghe xuồng tụ đến mua rồi chở đi nườm nượp. Ví dụ cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ của Vĩnh Long trồng nhiều nhãn đến mức được gọi là cù lao Nhãn. Nơi đây trồng trên 3.000 ha nhãn, trong đó, 80% là loại nhãn da bò. Nhãn này vỏ nâu, hạt nhỏ, cơm dày, trắng, thơm, vị ngọt dịu và không chảy nước.
Nhãn có 2 vụ một năm, năng suất 1,2 tấn trên một công đất của vụ thuận. Với giá có năm tới 25.000 đồng/ kg, như vậy, người ta có thể làm giàu từ việc trồng nhãn. Như ông Ba Tần, một chủ vườn nhãn tại cù lao này, đã từng thu lãi 300 triệu đồng trong 2 vụ nhãn với 568 gốc nhãn của 1,5 ha cây trồng. Tính bình quân, mỗi cây 6 – 7 tuổi cho chừng 60 – 70 kg nhãn, còn cây 3 – 4 tuổi cho khoảng 20 – 30 kg. Hiện nay, nhà vườn đều “ép” cho nhãn ra mùa nghịch để cung cấp trái, nhờ vậy, giá nhãn được cao. Kỹ thuật cho nhãn ra mùa nghịch đạt năng suất cao cần được chăm sóc tốt, nhưng theo kinh nghiệm của chủ vườn thì khâu quan trọng nhất là kỹ thuật khấc gốc. Khấc gốc là kỹ thuật làm cho nhãn ra bông trái mùa. Kỹ thuật này được thực hiện tốt hay không ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của nhãn. Người có kinh nghiệm thường khấc gốc vào lúc nhãn ra cơi tược lần đầu, vào lúc lá lụa chuyển từ màu tím sang màu xanh, không non cũng không già. Lúc khấc gốc thấy nhựa tiết ra hơi dẻo dẻo là được, cây sẽ cho trái 100%. Nhiều năm nay, người ta thu mua nhãn da bò của Vĩnh Long để sấy bán ra Lạng Sơn rồi xuất sang Trung Quốc. Chỉ riêng cù lao An Bình có 32 lò sấy nhãn. Lò lớn nhất có công suất 60 tấn/ mẻ, lò nhỏ là 10 tấn/ mẻ. Cứ 3 kg nhãn tươi sấy được 1 kg nhãn khô và phải sấy từ 24 – 36 tiếng.
Ngoài những loại trái cây khác như xoài, măng cụt, chôm chôm, vú sữa, sa-bô-chê… Vĩnh Long còn có một loại trái cây rất đặc biệt được trồng vài chục năm nay là trái thanh trà… Trái này trồng nhiều nhất tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh. Từng chùm trái mọc sum xuê, màu vàng óng. Khi chín, vị ngọt thơm, cho trái chín vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm.
Những năm sau này, Vĩnh Long cũng còn trồng những loại trái cây không phải mặt mạnh của mình như dưa hấu, cerise (xơ-ri)… Tuy không phải mặt mạnh nhưng dưa hấu vùng Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn ngon không thua kém gì các loại dưa hấu nổi tiếng của Nam bộ như dưa Gò Công, Vũng Thơm…
Đương nhiên, muốn có trái cây ngon phải có giống tốt. Các chủ nhà vườn tích lũy kinh nghiệm riêng. Họ tự chiết cành, tự chọn lọc giống cây trồng… Tuy nhiên cũng có nhiều nhà vườn đặt mua cây giống tại các trại cây giống. Vĩnh Long có nhiều loại trại này… Nơi đây cung cấp nhiều giống cây trồng thuộc đủ loại quả và cây kiểng… Các loại trại cây giống này cũng là những điểm tham quan nằm trong tour du lịch sinh thái của Vĩnh Long.
VnCharm
Nguồn:
http://datmientay.vn/Nhan-da-bo-Vinh-Long