Nhãn xuống cơm vàng Vũng Tàu
Nhãn xuồng cơm vàng là một trong vài giống nhãn có cỡ trái lớn nhất so với các giống nhãn khác. Cơm của trái nhãn xuồng có màu vàng ngà, giòn và rất ngọt. Lá cây nhãn xuồng cơm vàng hình elip, phiến lá nhỏ, mặt trên xanh thẫm và tất cả các lá đều quăn nhẹ (thể quăn vỏ đậu). Đó là những đặc điểm để “nhận diện” giống hay trái nhãn xuồng cơm vàng chưng bán trên sạp. Cơm của giống nhãn xuồng cơm vàng trong, màu vàng ngà, mọng nước nhưng giòn là đặc tính nổi trội và khác với những giống nhãn khác.
Nhãn xuồng cơm vàng có xuất xứ từ đồng đất phù sa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được “phát hiện” trong một hội thi trái ngon do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tổ chức cách nay hơn mười năm.
Đó là sự kiện cây nhãn xuồng cơm vàng của ông Nguyễn Văn Tư thuộc nhóm nông dân do Trung tâm Khuyến nông TP Vũng Tàu tổ chức đi thi đoạt giải. Các nhà sản xuất giống cây đã nhân giống cây nhãn này đưa đi khắp nẻo mà không chờ khảo nghiệm. Từ đó, cây nhãn xuồng cơm vàng có dịp thử sức sống trên nhiều loại gốc ghép, nhiều phương thức bón phân và trên nhiều vùng sinh thái Nam bộ.
Giống nhãn xuồng cơm vàng cũng được trồng thử ở miền Trung, miền Bắc và ở Campuchia, Thái Lan. Thời gian trôi qua, đã có thể đưa ra những nhận xét về sự thích nghi vùng sinh thái, sự tham gia thị trường và hiệu quả của giống nhãn xuồng cơm vàng.
Với những vùng đất pha cát, đất thịt, sét nhẹ cây nhãn xuồng cơm vàng phát triển khá tốt. Các vùng cát giồng thuộc Bà Rịa Vũng Tàu, Châu Thành và Giồng Trôm (Bến Tre), Châu Thành, TP Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang), thị xã Vĩnh Long; Châu Thành (Đồng Tháp)... cây nhãn xuồng cơm vàng cho năng suất và chất lượng trái cao nhưng chưa ổn định. Nhãn xuồng cơm vàng thu hoạch tập trung từ tháng 6 đến tháng 8, các tháng khác sản lượng không đáng kể. Tại Vũng Tàu, điều kiện canh tác phụ thuộc phần nhiều vào nước mưa do nhãn xuồng cơm vàng ra trái tập trung vào tháng 7 âm lịch. Hiện tượng này phổ biến trên tất cả các vùng sinh thái đã trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện áp dụng chế độ bón phân định kỳ, duy trì chế độ tưới nước thường xuyên và chừa lại trên cây các nhánh không cho trái chính vụ, nhãn xuồng cơm vàng có thể cho trái (nghịch mùa) vào các tháng 2 đến tháng 5 hoặc tháng 11 đến tháng 12. Nếu được chăm sóc thường xuyên, sẽ không ảnh hưởng đến năng suất chính vụ.
Ngoại trừ tháng 7 và 8 do “đụng” nhãn Trung Quốc, nhãn Thái Lan, nhãn miền Bắc và nhãn tiêu da bò chính vụ giá xuống thấp, các tháng khác giá nhãn xuồng cơm vàng rất cao. Giá thu mua bình quân trong năm đạt 12.000 - 14.000 đồng/kg, gấp 3 - 3,5 lần so với các giống nhãn phổ biến khác. Mức giá nhãn xuồng cơm vàng trái vụ thu mua tại vườn tháng 2 năm nay cao nhất, đạt 50.000 đồng/kg. Giá thấp nhất vào tháng 7 - 8 năm 2007, ở mức 5.000 - 6.000đồng/kg, năm 2008 là 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Nhãn xuồng cơm vàng là một trong vài giống nhãn có cỡ trái lớn nhất so với các giống nhãn khác. Cơm của trái nhãn xuồng có màu vàng ngà, giòn và rất ngọt. Lá cây nhãn xuồng cơm vàng hình elip, phiến lá nhỏ, mặt trên xanh thẫm và tất cả các lá đều quăn nhẹ (thể quăn vỏ đậu). Đó là những đặc điểm để “nhận diện” giống hay trái nhãn xuồng cơm vàng chưng bán trên sạp. Tuy nhiên, cũng có vài giống nhãn có hình thái lá, dạng trái tương tự. Chẳng hạn, nhãn xuồng cơm trắng nhìn bên ngoài khó phân biệt với nhãn xuồng cơm vàng, duy có đặc điểm cơm màu trắng đục, vị lạt. Nhãn Nam Dương có trái to tròn thịt dai, mềm. Nhãn xuồng đeo cũng rất giống với nhãn xuồng cơm vàng, nhưng có thể phân biệt được ở chỗ mỗi trái nhãn xuồng đeo có một trái nhỏ “đeo” ở gốc cuống, hình dáng trái tròn hơn, chỗ gần cuống vỏ có màu phớt hồng, chùm trái thưa hơn. Nhãn gỗ (có ít cây ở miền Bắc) thưa trái, trái to, vỏ vàng trắng mốc, cơm nhãn khô. Cơm của giống nhãn xuồng cơm vàng trong, màu vàng ngà, mọng nước nhưng giòn là đặc tính nổi trội và khác với những giống nhãn khác.
Nếu như nhiều giống nhãn cho phép chiết cành lấy cây giống trồng, thì cây nhãn xuồng cơm vàng “yếu” ở mặt này. Nhánh nhãn xuồng cơm vàng được chiết rất khó ra rễ và nếu dùng cành chiết để trồng thì bộ rễ rất yếu, cây có thể lớn và cho trái nhưng năng suất thấp và dễ bị gió xoáy vặn bật gốc. Còn tháp với nhãn tiêu lá bầu, tiêu da bò, nhãn long... cây nhãn xuồng giống có bộ rễ tốt, cành lá phát triển nhanh nếu vết tháp có độ tiếp xúc tốt. Những thí nghiệm về gốc ghép của SOFRI cho thấy các gốc ghép khác nhau có thể cho trái nhãn có mùi, vị, dạng hột, cách đóng trái, độ rụng khác nhau ít nhiều. Các thí nghiệm về phân bón cho thấy mức độ phân bón và chất điều hòa sinh trưởng tác động khá lớn đến năng suất và chất lượng nhãn xuồng cơm vàng.
Các vấn đề gốc ghép, chế độ phân và nước tưới, quá trình bảo vệ thực vật và dùng chế phẩm chống rụng trái là những vấn đề các nhà khoa học khuyến cáo đối với người trồng nhãn xuồng cơm vàng để có năng suất cao. Ngoài ra, nếu trồng chuyên hoặc xen canh hợp lý cây nhãn xuồng cơm vàng sẽ có đủ không gian và ánh sáng để phát triển tốt.