Nhớ mùa cam Bố Hạ

Nằm hai bên triền sông Thương, giáp ranh giữa hai huyện Yên Thế và Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một vùng đất bãi phì nhiêu được phù sa sông Thương bồi đắp, cho một chất đất thật phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển một giống cam quý đặc sản - cam sành Bố Hạ.

Cam Bố Hạ, giống cam số 1 của đất nước, đã từng nổi tiếng khắp vùng tại các kỳ thi đấu xảo quốc gia được tổ chức ở cố đô Huế, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc, nhưng đến ngày nay một vùng cam quý đang dần mai một và có nguy cơ chìm vào lãng quên.

Kết quả hình ảnh cho cam bố hạ bắc giang

Nằm hai bên triền sông Thương, giáp ranh giữa hai huyện Yên Thế và Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một vùng đất bãi phì nhiêu được phù sa sông Thương bồi đắp, cho một chất đất thật phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển một giống cam quý đặc sản - cam sành Bố Hạ.

Đó là loại cam thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên Đán: quả màu vàng nâu tươi, hình cầu dẹt, tròn trịa, đẹp mắt, cùi dày, da hơi sần. Tuỳ theo sự chăm bón và mức độ lâu năm của cây mà hàng năm, một cây cam có thể cho từ 50 đến 200 quả. Sự hấp dẫn đặc biệt của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng đỏ, hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Cũng không mấy ai hiểu hết được sự quý giá của giống cam đặc sản này như người dân Bố Hạ. Những ngày Tết cổ truyền, người dân Bắc Giang thường đi lễ Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô…không gì quý và sang bằng những chục cam Bố Hạ. Người ốm đau biếu mấy trái cam, ăn vào như được tiếp thêm nguồn sinh lực, tỉnh người, khoẻ ra để chống chọi lại với bệnh tật nghiệt ngã.

Chính vì quý như vậy mà giá cam Bố Hạ được bán ra với giá “giật mình”, thường gấp 2 đến 3 lần so với các loại cam khác, mà vào gần dịp Tết Nguyên Đán giá còn cao hơn nữa. Đến tại đất cam mà tìm mua cũng khó, ngay ngưòi dân bản xứ cũng ít có dịp thưởng thức mà chủ yếu bán cho các chủ hàng ở các tỉnh, thành hoặc làm quà biếu cho khách.

Tuy nhiên để có được những trái cam vàng ngọt, quý giá như vậy, người trồng cam nơi đây đã phải lắm gian nan, một nắng hai sương, bỏ ra biết bao mồ hôi công sức chọn giống, chăm bón vun trồng cùng với những kinh nghiệm canh tác được đúc kết, lưu giữ, truyền thụ từ bao đời.

Kỹ thuật trồng cam cũng lắm công phu

Một lão nông trồng cam kể: với người trồng cam, điều quan tâm đầu tiên là khâu chọn giống cam. Giống cam được chọn lọc tự nhiên qua nhiều thế hệ. Người trồng cam thường chọn những cây sinh trưởng khoẻ, năng suất cao, phẩm chất tốt, không bệnh vàng lá để nhân giống.

Nhân giống thì bằng phương pháp chiết cành chứ chẳng ai gieo bằng hạt cả. Đất trồng cam phải là đất mầu mỡ tơi xốp, không nấm bệnh, thoát nước tốt song cũng gần nguồn nước để tưới khi cần. Hố trồng cam thường được đào sâu từ 0,8 đến 1,0m, đường kính của hố từ 1,5 đến 2m. Sau đó, hố được phơi nắng, rắc vôi bột, đổ rác mùn, phân chuồng hoai mục, lấp đất cho đầy hố rồi hạ cây vào mùa xuân. Cây được theo dõi, chăm sóc thường xuyên vun xới, bắt sâu nhổ cỏ, chú ý từng chùm hoa, tán lá. Tuỳ theo độ lớn của từng cây mà để số quả đậu cho phù hợp để thúc đạm, bổ sung lân hoặc kali. Công tác bảo vệ phải được chú ý khi cam đã bắt đầu “đỏ đít” – nghĩa là bắt đầu ăn được, khỏi bàn tay kẻ trộm.

Vào tháng mười một, tháng chạp, ai có dịp đi qua Bố Hạ đứng từ ngoài nhìn vào vườn cam, những cây cam trĩu quả, những trái cam đang đỏ dần rung rinh theo chiều gió, hoà quện với mầu xanh ngút ngàn của những vườn cam dọc theo hai bờ sông Thương đều phải ghen tỵ trước thành quả lao động của người trồng cam, phải sững sờ trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này.

Đặc điểm của giống cam Bố Hạ thường chín muộn hơn các loại cam khác. Vụ thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Thu hoạch cam bao giờ cũng dùng kéo cắt kết hợp với tỉa, xén cành luôn chứ không ai hái quả bằng bẻ tay hoặc vặt để lại cuống trên cây. Quả hái song được lau sạch, phân loại, nhúng cuống vào nước vôi rồi xếp lên cát hoặc sọt để nơi thoáng mát là có thể bảo quản được rất lâu.

Cứ mỗi vụ thu hoạch cam người trồng cam lại tổng vệ sinh cho cây, bới xung quanh các gốc cam cho tới rễ con, rồi bón vào gốc: khô giầu lạc, nước ốc, hến ngâm thối…rồi lại phủ đất lên để bổ sung dinh dưỡng cho cây đợi mùa hái quả năm sau. Ngày xưa, ở nơi đây nhà nghèo cũng có vài chục gốc cam còn nhà giầu thì có đến vài nghìn gốc. Cam cũng là nguồn thu nhập quan trọng và cũng là niềm tự hào của người dân Bố Hạ. Thế mà trải qua những thăng trầm của thời gian, một vùng cam với những giống cam qúy đặc sản như vậy đang dần bị thoái hoá, mai một bởi nhiều nguyên nhân.

Những người dân trồng cam và lãnh đạo địa phương có tâm huyết với giống cam quý đặc sản này đã day dứt, trăn trở: “tìm cách duy trì phát triển giống cam quý của tổ tiên”. Thế rồi từ sau khoán 10 về việc giao đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả thì phong trào trồng cây ăn quả nơi đây đã phát triển mạnh mẽ, song chủ yếu theo kiểu tự phát manh mún, không có sự chỉ đạo về giống, kỹ thuật chăm sóc, chưa có định hướng sản xuất hàng hoá.

Vì vậy, nhằm từng bước khôi phục và phát triển giống cam quý nổi tiếng này, từ năm 2005 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã giao cho Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện dự án: “Cam sành sạch bệnh”.

Đây là giống cam do Viện Di truyền Nông nghiệp cung cấp, dự án được triển khai trên diện tích 10ha thuộc hai xã là: xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (5ha) và xã Bố Hạ, huyện Yên Thế (5ha). Nhưng sau gần 4 năm triển khai thực hiện dự án, kết quả cho thấy: giống cam đưa vào trồng đều bị bệnh vàng lá grinning, năng suất cho quả thấp, chất lượng kém, thua xa giống cam bản địa (gốc).

Theo nhận xét của một số nhà chuyên môn thì do giống cam đưa vào trồng không phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương; mặt khác lại do nguồn truyền bệnh là rầy di trú ở bờ bụi rất nhiều …Nên hiện tại diện tích trồng cam thuộc vùng dự án ngày một bị thu hẹp, sô diện tích còn lại nhân dân đã chuyển sang trồng một sô loại cây ngắn ngày khác.

Đứng trước thực trạng trên đã và đang đặt ra cho các cơ quan quản lý mà đặc biệt là các nhà khoa học cần quan tâm đầu tư công sức nhiều hơn nữa. Nhưng trước mắt, theo chúng tôi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nếu có thể được nên tổ chức điều tra lại giống cam gốc còn sót lại trong nhân dân vùng trồng cam xưa, để từ đó có kế hoạch khôi phục và bảo tồn phát triển giống cam quý này. Tuy đã là muộn, nhưng cũng còn hơn là không làm ngay từ bây giờ, nếu không một ngày không xa rất có thể chúng ta chỉ còn được biết tới cam Bố Hạ - một sản vật nổi tiếng khắp nước, chỉ còn là một câu chuyện kể.

Bình luận của bạn