Tiền Giang: Giàu lên nhờ trồng chôm chôm Viet GAP

Tiền Giang vốn là quê hương của nhiều giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng cả nước như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong…Trong đó, cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) nằm giữa sông Tiền từ lâu được biết tiếng bởi những vườn chôm chôm bạt ngàn mang lại cho nông dân nguồn lợi hết sức lớn.

Tiền Giang vốn là quê hương của nhiều giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng cả nước như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong…Trong đó, cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) nằm giữa sông Tiền từ lâu được biết tiếng bởi những vườn chôm chôm bạt ngàn mang lại cho nông dân nguồn lợi hết sức lớn.

alt

Trên vùng đất giàu tiềm năng này, ông Nguyễn Văn Chí, sinh năm 1966 cư ngụ tại ấp Tân Luông A, Tân Phong, Cai Lậy nổi tiếng là “kiện tướng” trồng chôm chôm theo tiêu chí Viet GAP – một mô hình mới đầy triển vọng và là tất yếu của quá trình sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao hiện nay.

Gia đình ông Chí đang sở hữu 8.000 m2 vườn cây ăn trái đặc sản gồm 2.500 m2 đất trồng chôm chôm nhãn, 2.500 m2 đất trồng giống chôm chôm Java và 3.000 m2 đất còn lại trồng giống nhãn tiêu huế. Gắn bó với miệt vườn sông nước cù lao Tân Phong nhiều đời nay, ông Chí hiểu miền đất giàu tiềm năng này như lòng bàn tay. Đất phù sa bồi màu mỡ phù hợp với cây chôm chôm – giống cây ăn trái đặc sản miệt cồn bãi cù lao nơi đây, dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất, sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, ông cũng chứng kiến một giai đoạn thăng trầm của cây chôm chôm. Đó là thời điểm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, diện tích chôm chôm thu hẹp do nhiều nguyên nhân để chuyển đổi sang các cây trồng khác. Riêng ông Chí, vẫn kiên trì giữ và thâm canh vườn chôm chôm. Chôm chôm Java trồng trong vườn nhà ông có những gốc tuổi đời 20 – 25 năm. Chôm chôm nhãn ít tuổi hơn cũng trên 10 năm.

Để có cuộc sống ổn định và khấm khá nhờ nguồn lợi từ vườn cây ăn trái, đặc biệt là giống chôm chôm đặc sản, ông Nguyễn Văn Chí nhạy bén nắm bắt kỹ thuật thâm canh theo khoa học kết hợp với kinh nghiệm canh tác nhiều năm xử lý cho chôm chôm ra hoa mùa nghịch, tránh được tình trạng “trúng mùa, dội chợ” đồng thời với chăm sóc phù hợp để cây hồi phục nhanh sau mùa vụ thu hoạch, sung mãn để cho những vụ tiếp theo bội thu. Ông Chí cho biết: Cách làm hiệu quả của mình như sau: hàng năm, sau khi thu hoạch xong (vào khoảng tháng 7 Âm lịch) tiến hành vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán. Sau đó bón phân bồi dưỡng cho cây ra đọt non. Các loại phân bón phù hợp được ông dùng phổ biến gồm: 20 – 20 – 15, đạm, super lân, kali muối ớt… tùy theo giai đoạn cây ra đọt lần 1, lần 2 mà gia giảm về liều lượng các loại phân. Đến tháng 11 Âm lịch, sau khi đọt non ra lần thứ 2 đã đủ độ già, ông bắt đầu xiết cạn nước trong các ao mương vườn nhằm kích thích cho cây ra hoa theo ý muốn. Kinh nghiệm ông đúc kết được là thông thường sau khi xiết nước khoảng 3 tháng cây bắt đầu ra hoa. Đây là thời điểm tiến hành các công đoạn chăm sóc hoa, tỉa và chăm sóc trái…Để có trái chín đều, chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất phải tỉa bớt trái đèo, trái nhỏ…không để chôm chôm đậu quá nhiều trái như trước đây, đồng thời thường xuyên theo dõi độ tăng trưởng và phun xịt sâu bệnh gây hại…

Ông Nguyễn Văn Chí còn là nông dân đầu tiên tại vùng chuyên canh chôm chôm tỉnh Tiền Giang áp dụng bộ tiêu chí Viet GAP trong thâm canh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với xu thế tiêu dùng giai đoạn đổi mới và hội nhập. Ông gia nhập Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong, được hướng dẫn và áp dụng qui trình sản xuất Viet GAP trên cây chôm chôm với rất nhiều tiêu chí: qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, qui trình kỹ thuật sản xuất chôm chôm Viet GAP, ghi chép nhật ký, làm sổ sách theo dõi, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất an toàn, an toàn lao động và bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân…

Theo ông, sản xuất chôm chôm Viet GAP hết sức công phu, bù lại, hiệu quả kinh tế khá bởi được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn giá thị trường 20%. Ngoài ra, Viet GAP cho cây ăn trái nói chung và chôm chôm nói riêng chính là cách làm tất yếu nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu cho loại trái cây đặc sản địa phương. Đáng mừng nhất là cuối năm 2011 vừa qua, Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong vinh dự đón chứng nhận Viet GAP cho cây chôm chôm.

Từ những nông dân giàu sáng tạo, nhạy bén, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong quá trình thâm canh như ông Nguyễn Văn Chí, thương hiệu “chôm chôm Tân Phong” Viet GAP chắc chắn sẽ vươn xa trên thị trường trong ngoài nước. Bản thân ông Nguyễn Văn Chí, với 8.000 m2 đất vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản trong đó có 5.000 m2 chôm chôm các loại mỗi năm thu lợi nhuận ròng trên 100 triệu đồng, trở thành tấm gương điển hình về nông dân cần cù chịu khó, sản xuất giỏi.

VnCharm

Nguồn:

Thông tấn xã Việt Nam

Bình luận của bạn