Xây dựng vùng cam sạch Văn Chấn
Để cam Văn Chấn đến được các thị trường lớn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã xây dựng mô hình VietGAP có 5 hộ trồng cam...
Huyện Văn Chấn có diện tích trồng cam tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái, với 1.300ha ở các xã: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch và thị trấn nông trường Trần Phú.
Trong đó có 800ha cho thu hoạch, năng suất 12 - 15 tấn/ha, sản lượng 8.000 tấn, doanh thu trên 200 tỷ đồng. Nhờ trồng cam mà nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo trở thành tỷ phú, thu nhập bình quân từ vườn cam từ 500 - 800 triệu/năm.
Để cam Văn Chấn đến được các thị trường lớn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã xây dựng mô hình VietGAP có 5 hộ trồng cam ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La tham gia. Vụ cam năm 2016 sẽ cung cấp khoảng 200 tấn cam sạch ra thị trường. Số lượng cam sạch chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với 8.000 tấn cam của Văn Chấn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Sự - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái: Với mô hình cam VietGAP mà chúng tôi xây dựng trong 2 năm 2015 - 2016, người trồng cam đã thấy được giá trị, nên tự mở rộng diện tích và SX theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo kế hoạch, từ năm 2016 - 2020 Văn Chấn sẽ mở rộng vùng cam, quýt tập trung lên 2.500ha, sản lượng 15.000 - 20.000 tấn/năm.
Để xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” cho sản phẩm cam, quýt, năm 2015, Phòng Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Văn Chấn, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, Viện Cây Lương thực - Thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và 9 xã, thị trấn vùng ngoài huyện Văn Chấn tiến hành điều tra xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” theo quy định.
Ngày 11/11/2016 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã ban hành Quyết định 72586/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho “Cam Văn Chấn” - tỉnh Yên Bái. Ngày 3/12/2016 huyện Văn Chấn long trọng tổ chức đón nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”.
Kể từ nay cam Văn Chấn đã xác lập nhãn hiệu của mình, đây là cơ hội để cam Văn Chấn đến được thị trường lớn trong cả nước với những đặc trưng riêng của một vùng đất.
Để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thì người trồng cam Văn Chấn cần phải hướng tới việc sản xuất cam sạch, mà mô hình VietGAP xây dựng ở thôn Thiên Tuế chỉ là mở đầu.