Những gì ngành cơ khí làm được thời gian qua chủ yếu nằm ở phân khúc dễ, không đòi hỏi trình độ công nghệ chuyên sâu, có giá trị thấp. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 45-55% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước không hoàn thành. Sản phẩm cơ khí chất lượng cao đã sản xuất được trong nước nhưng không được các doanh nghiệp lựa chọn.
Những gì ngành cơ khí làm được thời gian qua chủ yếu nằm ở phân khúc dễ, không đòi hỏi trình độ công nghệ chuyên sâu, có giá trị thấp. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 45-55% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước không hoàn thành.
Sản phẩm cơ khí chất lượng cao đã sản xuất được trong nước nhưng không được các doanh nghiệp lựa chọn.
8 nhóm chủ lực đều không đạt
Theo thống kê sơ bộ, đến hết năm 2010, ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng 34% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 23,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 45-50% về nhu cầu và 30% về giá trị xuất khẩu. Nhưng ngay với con số 34%, ông Đào Văn Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng không đồng tình và cho rằng, ngành cơ khí chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam - cho biết, Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, tập trung chủ yếu vào phát triển 8 nhóm sản phẩm trọng điểm, gồm: Thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc ngành nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng, đóng tàu và thiết bị điện, nhưng chỉ có đóng tàu và chế tạo thiết bị điện là “thực hiện được định hướng chiến lược”.
Ở những lĩnh vực còn lại, theo ông Thụ, kết quả đạt được còn rất xa mục tiêu, thậm chí nhóm ngành chế tạo máy công cụ còn tụt hậu hơn so với thời bao cấp. Với ngành đóng tàu, thành tựu đạt được cũng chỉ là khả năng đóng được những chiếc tàu lớn, còn lĩnh vực thiết bị điện vẫn chủ yếu là của ngành chế tạo biến áp. Một sản phẩm khác là tổ máy phát cho nhà máy điện, lĩnh vực được kỳ vọng, gần như vẫn là con số 0.
Nhóm thiết bị toàn bộ - được xem là có nhiều tiến bộ vượt bậc những năm qua - thực tế vẫn chỉ sản xuất những thiết bị lớn và phi tiêu chuẩn. Theo các thành viên VAMI, đây là phần dễ làm nhất và thường chỉ chiếm 20% giá trị của toàn bộ dây chuyền.
Ông Nguyễn Văn Thụ
Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam
Việc tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ khí nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản phẩm. Không tạo được thị trường thì đừng nói đến việc phát triển cơ khí trọng điểm. Nếu những chính sách vẫn cứ chung chung, thì DN không thể vươn lên.
Vì vậy, Nhà nước phải có biện pháp hướng dẫn cụ thể ngành hải quan, không cho thông quan các sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được, cũng như quy định các chủ đầu tư phải sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước. Với các dự án phải vay vốn nước ngoài, chủ đầu tư phải tách rõ phần vốn vay nước ngoài, phần vốn vay trong nước phải dùng để mua tối đa sản phẩm trong nước.
Tháng 3/2011, hiệp hội đã kiến nghị lên Chính phủ về chủ trương nội địa hóa dự án nhiệt điện trên cơ sở tách ra 10 gói thầu cơ khí để DN trong nước có thể tham gia. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo, nhưng cho đến nay DN vẫn chưa có chính sách cụ thể để triển khai.
Việt Nam đã tốn nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu cẩu trục, trong khi Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina đã sản xuất và xuất khẩu được 20 chiếc sang Indonesia, nhưng chỉ bán được 1 chiếc tại Việt Nam. Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục không có chủ trương rõ ràng, nếu chính sách vẫn chung chung như công nghiệp phụ trợ, không tạo ra thị trường cho sản phẩm cơ khí, chắc chắn ngành này không thể phát triển.
Mổ xẻ nguyên nhân
Họp bàn đã nhiều, song gần 10 năm qua, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa thể “cất cánh”. Bộ Công Thương nhận định, bản thân chiến lược chưa đề xuất được giải pháp tổng thể, gắn kết giữa phát triển các ngành cơ khí với các ngành công nghiệp khác, dẫn đến việc cơ khí trong nước chậm phát triển. Có thể thấy, trong chương trình chế tạo thiết bị cho các nhà máy xi măng lò quay, thiết bị, phụ tùng cho các nhà máy nhiệt điện, thiết bị, phụ kiện cho ngành dầu khí... sự tham gia của ngành cơ khí trong nước là không đáng kể.
Mục tiêu của chiến lược, theo Bộ Công Thương là quá rộng, quá tham vọng, không xét đến thực lực của ngành cơ khí và yếu tố thị trường. Thực tế, trong định hướng phát triển, dù gọi là trọng điểm, nhưng thực tế lại dàn trải, bao quát gần hết nhu cầu của nền kinh tế. Với thực lực về trang thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực bất cập và khả năng tài chính quá yếu, thị trường còn quá nhỏ, các chỉ tiêu đặt ra, như: Đáp ứng 40% nhu cầu thiết bị toàn bộ, sản xuất động cơ thủy 400 mã lực trở lên với tỷ lệ nội địa hóa 35-40%, đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% trong lĩnh vực sản xuất xe tải, xe buýt và 35-40% với ô tô con… chỉ là những con số trên giấy.
Ông Đào Văn Long đánh giá, các cơ quan tham mưu chính sách, chiến lược cho Chính phủ thiếu hẳn đội ngũ chuyên gia “cứng” về cơ khí. Đơn vị quản lý cả một ngành quan trọng rộng lớn chỉ có Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), do đó, các chính sách ban hành khó sát với thực tế, không tới được DN.
Ông Bùi Ngọc Huyên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – bức xúc, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là đầy đủ, nhưng DN chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Dự án đầu tư đúc khuôn cho sản xuất thân vỏ ôtô của Vinaxuki theo tiêu chuẩn Nhật Bản có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng là minh họa rõ nét nhất. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho vay 250 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ năm 2009, nhưng đến nay, Vinaxuki vẫn chưa có được giải ngân từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong khi dự án đã sản xuất được 400 tỷ đồng tiền khuôn mẫu. Dự kiến, cuối năm nay sẽ sản xuất được 2.000 tấn khuôn phục vụ sản xuất xe ô tô con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50%. Nút thắt không thể giải ngân hỗ trợ của Chính phủ nằm ở chính các thủ tục rườm rà, cứng nhắc hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thụ khẳng định: Luật Đấu thầu được ban hành năm 2005 đang “bó chân, bó tay” chính DN Việt Nam, khi chỉ chú trọng đến yếu tố giá mà không tính đến nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy, DN cơ khí nội địa luôn bị thua ngay trên sân nhà. Hiệp hội đã kiến nghị 7 năm nay, nhưng Luật Đấu thầu vẫn không được sửa đổi.
Tại nhiều dự án do DN trong nước được giao làm tổng thầu EPC nhưng vẫn chia thành các gói thầu BOP để đấu thầu quốc tế. Như vậy lại có nhiều nhà thầu phụ nước ngoài, mua thiết bị của nước ngoài. Vô hình trung, việc tổng thầu EPC chỉ là hình thức! Chính vì thế, tỷ lệ nội địa hóa thấp, lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ dẫn đến lệ thuộc vào công việc của họ.
Về tình trạng thiếu liên kết, đầu tư khép kín, ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung - chia sẻ, khi có đơn hàng thì nhiều DN cơ khí trong nước “ôm” để làm từ A đến Z, không chia sẻ với các DN khác, dẫn tới việc đầu tư trùng lắp, lãng phí. Nếu các DN biết liên kết, chia sẻ công việc với nhau, ngành DN cơ khí sẽ tăng thêm sức mạnh.
Gần 10 năm qua, chính sách của Nhà nước gần như chỉ tập trung hỗ trợ cho ngành đóng tàu, cụ thể là cho Vinashin, mà bỏ qua các lĩnh vực được coi là trọng điểm khác. Bên cạnh đó, tình trạng một số DN tranh thủ cơ hội vay vốn ưu đãi của Chính phủ, không ít dự án cố gò vào trọng điểm, là một trong những nguyên nhân làm cho dự án kém hiệu quả ngay từ trứng nước.
Thêm một lần, các nhà quản lý, hiệp hội và DN cùng ngồi lại, tìm giải pháp tổng thể, hy vọng có thể cứu ngành cơ khí ra khỏi tình trạng èo uột hiện nay.
DN cần vốn ưu đãi, lãi suất thấp
Ông Nguyễn Tăng Cường
Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung
Theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung được vay ưu đãi 279 tỷ đồng, lãi suất 6,6%. Tổng số vốn chúng tôi đầu tư cho cả xí nghiệp tại Ninh Bình là 6.200 tỷ đồng, như vậy còn gần 6.000 tỷ đồng phải chịu lãi suất vay thương mại. Với số vốn lớn như vậy, trong khi nhu cầu đầu tư của ngành cơ khí lớn, thu hồi vốn chậm..., như vậy có DN nào dám mạo hiểm để đầu tư? Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần dành riêng nguồn vốn vay ưu đãi, với lãi suất thấp cho ngành cơ khí. Có như vậy ngành cơ khí mới có được nguồn vốn dài hơi cho phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nên có cấp Cục về quản lý cơ khí
Ông Đào Văn Long
Phó chủ tịch Hiệp hội
Để bổ sung nguồn nhân lực “cứng” cho ngành cơ khí, sắp tới Bộ Công Thương nên có một cơ quan tối thiểu là cấp cục để làm tư vấn chung cho nhà nước. Bên cạnh đó, chủ trương phát triển 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ là quá nhiều nên bản thân Chính phủ cũng không có đủ tiền cho DN vay vốn thực hiện, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Đây chính là vòng luẩn quẩn phải gỡ bỏ. Việc chọn lựa và chốt lại một số sản phẩm cơ khí có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung đầu tư, phát triển, không nhất thiết phải lấy 8 nhóm sản phẩm đã chọn từ 10 năm trước.
Luật đấu thầu cần tính đến yếu tố xuất xứ
TS Nguyễn Chỉ Sáng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí
Chúng ta nói các DN trong nước không có việc, vì theo Luật Đấu thầu hiện hành, cứ giá rẻ là thắng! Như vậy, hầu hết các dự án thắng thầu là của Trung Quốc. Nhưng nếu tính tỷ lệ nội địa hóa chắc chắn chúng ta sẽ thắng.
Để công bằng, Luật Đấu thầu cần tính đến xuất xứ. Nếu xuất xứ khác thì giá phải khác. Nếu tỷ lệ nội địa hóa không được tính trong yếu tố đấu thầu thì các DN trong nước không thể vào được dự án. Ngoài ra, trong tổng vốn đầu tư của một dự án phải thống kê xem vốn trong dự án nhà nước là bao nhiêu để chỉ định thầu cho các nhà chế tạo trong nước.
Sửa ngay Luật Đấu thầu
Ông Trần Văn Quang
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị điện Đông Anh
Tiêu chí giá rẻ trong Luật Đấu thầu năm 2005 cần được sửa ngay. Thực tế, chúng ta có cơ chế chỉ định thầu, nhưng vẫn phải tuân theo luật. Khi đó, tiêu chí của các nước G7 và Trung Quốc như nhau, chỉ có yếu tố giá rẻ được đặt lên hàng đầu. Cũng bởi “tham” thiết bị, hàng hóa giá rẻ, nên trong ngành điện hiện nay, nhiều máy biến áp công suất lớn mua từ Trung Quốc chỉ vận hành với 75% công suất, bởi nếu vận hành đủ công suất, máy bị nóng, dẫn tới cháy nổ.
Hiện Nga và Ấn Độ đã có chính sách hạn chế sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ vào thị trường bằng việc ban hành quy định các nhà sản xuất phải có cơ sở đủ năng lực bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong nước, không phải chuyển ra nước ngoài. Quy định này hoàn toàn có thể áp dụng vào quá trình đấu thầu ở Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra, tại sao hàng Trung Quốc lại rẻ? Xin trả lời, các DN đi vay thương mại để sản xuất, lãi suất thời điểm cao nhất là 23%, hiện tại 18%, của Trung Quốc chỉ 6%. Như vậy họ có thừa tiềm lực để làm hàng giá rẻ. Nếu các DN trong nước có được chính sách tài chính tương đương với Trung Quốc thì chắc chắn thiết bị sản xuất ra cũng giảm được 30% giá.
VnCharm
Theo: Báo Công Thương