Sức sống làng nghề tre Thu Hồng

Người thợ làng Thu Hồng có những ngón nghề không ai bắt chước được. Họ đục tre bằng tay vừa bén, vừa chắc mà không hề vỡ. Một cây tre rất cong người thợ có thể đánh dấu mà không cần dây. Các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, vô cùng chắc chắn. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề.

Từ bao đời nay, cây tre, cây trúc đã trở thành một phần hồn của làng quê Việt Nam. Hình ảnh những đồ vật giản dị, mộc mạc được làm từ tre, từ trúc cũng đã đi sâu vào tiềm thức và cuộc sống sinh hoạt của mỗi người con đất Việt. Có một làng nghề ở ngay trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, mới chỉ nghe tên đã cảm nhận được nét thanh bình, yên ả: Làng nghề tre trúc Thu Hồng.

Niềm tự hào

Nằm ven con sông Cà Lồ, ẩn mình dưới những bụi tre, bụi trúc, làng Thu Hồng xưa (nay là Thu Thủy), thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội giống như một bức tranh sống động, mang đầy đủ những nét đặc trưng của vùng thôn quê Bắc bộ. Suốt mấy thế kỷ, nơi đây luôn nổi danh với nghề làm tre trúc truyền thống. Chẳng thế mà dân gian còn truyền tụng mãi câu ca: “Gốm sứ Bát Tràng, Lụa làng Vạn Phúc, Tre trúc Thu Hồng, Đúc đồng Ngũ Xã”.

Tương truyền rằng, xưa kia làng ở ven đê, quanh năm chiêm khê mùa thối, chẳng có gì để xây dựng đình thờ thành hoàng làng. Xung quanh làng lúc đó chỉ toàn tre và trúc nên dân làng đã quyết định làm đình thờ thành hoàng bằng thứ nguyên liệu sẵn có này.

alt

Dần dần, người dân làm mọi vật dụng trong nhà bằng tre trúc như: Rổ, rá, thúng, bàn đến giường tre, chõng tre, trường kỷ… Ban đầu, đây chỉ là những sản phẩm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người dân Thu Hồng, những sản phẩm ấy đã được dân khắp nơi ưa chuộng và trở thành thứ hàng hóa quen thuộc.

Người thợ làng Thu Hồng có những ngón nghề không ai bắt chước được. Họ đục tre bằng tay vừa bén, vừa chắc mà không hề vỡ. Một cây tre rất cong người thợ có thể đánh dấu mà không cần dây. Các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, vô cùng chắc chắn. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề.

Cụ Phan Khải, năm nay đã gần 80 tuổi, một trong những người đầu tiên có công khôi phục lại làng nghề nói: “Trước đây 90% người ta làm nghề này. Ngày xưa sông Cà Lồ cũng chính là nguồn để phát triển nghề. Người ta đi chặt tre về rồi xếp lại thành bè. Dưới sông là bè nối bè, trên đê là đống nối đống. Trên má đê người ta xếp đống nọ liền đống kia. Vào trong làng tiếng cưa, tiếng đục, tiếng làm nghề cứ râm ran suốt từ đầu làng đến cuối làng giống như một dàn nhạc hòa tấu vậy”.

Mỗi người dân nơi đây đã từng rất tự hào rằng: khắp cả Bắc bộ này chỉ có làng quê Thu Hồng mới có kỹ thuật đóng nhà chắc chắn nhất. Sản phẩm tre trúc làm ra bền đẹp vô cùng và những nguyên liệu dư thừa còn có thể dùng để đun nấu chứ không gây hại đến môi trường.

Mai một

Thế rồi đã có hơn chục năm nghề truyền thống bị mai một.  Khi các sản phẩm làm từ nguyên liệu khác dần dần lên ngôi như gỗ, nhựa, sắt… thì cây tre, cây trúc cũng từng bước rơi vào quên lãng. Xa rồi cái thuở tiếng đục, tiếng cưa, tiếng làm nghề cứ râm ran khắp làng. Trên con đường đất gồ ghề, các dịch vụ đúc xoong nồi nhôm, thu mua phế liệu nằm rải rác. Hầu hết những người dân nơi đây đều đã đi nơi khác hoặc chuyển nghề để kiếm sống.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thiệu, 55 tuổi, một trong những người thợ lâu năm của làng, ông cho biết: Ông bắt đầu làm nghề này từ khi còn rất trẻ. Gia đình ông cũng đã có hơn 10 đời gắn bó với nghề. Thế nhưng hiện nay các con ông đều đi học và đi làm ở xa, không có ai theo nghề nữa. 

Tay vẫn thoăn thoắt với những mối đục, ông chia sẻ: “Những sản phẩm tre trúc làm ra hầu hết vẫn bằng phương pháp thủ công, chưa có máy móc hay kỹ thuật xử lý mối mọt triệt để. Có chăng chỉ là những chiếc máy khoan, máy đục, máy tiện đơn giản, nhỏ lẻ hay những dự án chưa được thực hiện. Riêng việc đầu tư và xử lý tre trúc qua mấy giai đoạn sấy cũng phức tạp, có những tiêu chí nhất định bắt buộc mình phải tuân thủ. Ngoài xử lý bằng máy móc hiện đại như thế thì chỉ còn cách truyền thống là phải ngâm nguyên liệu lâu một chút, mà ngâm thì chúng tôi không có thời gian”.

Và khởi sắc

Những tưởng làng nghề nổi danh một thời ấy sẽ dần đi vào quên lãng, và sản phẩm tre trúc Thu Hồng sẽ chỉ còn lại trong tiềm thức xa xăm. Thế nhưng khi Chính phủ có chính sách ưu tiên phát triển làng nghề vào năm 2000, cụ Phan Khải cùng một số lão làng đã quyết tâm phải khôi phục lại nghề truyền thống này. Và họ đã làm được nhiều hơn mục đích đặt ra ban đầu ấy.

Làng nghề tre trúc Thu Hồng không chỉ từng bước sống dậy mà còn ngày càng khởi sắc. Vấn đề việc làm cho người lao động nơi đây dần được giải quyết, kinh tế phát triển hơn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Giờ đây, sản phẩm tre trúc làm ra vừa để dùng, vừa để trang trí, thích hợp với những ngôi nhà kiểu cổ, những vị khách có tâm lý muốn hướng tới vẻ đẹp dân dã, thôn quê. Hơn 20 kiểu nhà cổ hoặc được thiết kế mới luôn được khách đặt hàng. Hợp tác xã thường xuyên phải cử người đi lắp đặt cả ở nơi xa xôi. Hàng tre trúc Thu Hồng lấy được uy tín với khách hàng không chỉ bởi đậm chất quê mà còn vì cả độ bền với thời gian.

Được giới thiệu rộng rãi tới bạn bè trong và ngoài nước thông qua các triển lãm như: “Cây tre Việt Nam”, “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc”..., mặt hàng tre trúc Thu Hồng ngày càng được biết đến nhiều hơn và Hợp tác xã Thu Hồng cũng nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng của các DN. Thậm chí, những sản phẩm mộc mạc, giản dị mà tinh tế làm ra từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa ấy còn được XK sang nhiều quốc gia như: Áo, Mỹ, Australia…

Tre trúc Thu Hồng đã khẳng định sức sống của mình qua hơn 300 năm tồn tại và phát triển.

VnCharm

Nguồn

http://www.baohaiquan.vn

Bình luận của bạn