Tre trúc Thu Hồng: Đặc trưng làng quê Bắc Bộ

Tự bao giờ câu ca xưa gợi nhớ về những miền đất với những làng nghề nổi tiếng. Ai cũng biết gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã nhưng chưa hẳn đã biết về làng tre trúc Thu Hồng - một làng nghề yên tĩnh, êm đềm bên con sông Cà Lồ uốn lượn. Làng Thu Hồng xưa nay là thôn Thu Thủy thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, nằm ven sông Cà Lồ chảy ra sông Cầu tại ngã ba Xà, có Quốc lộ 16 chạy qua. Là một làng ven sông, Thu Hồng ẩn mình dưới bụi tre trúc, mang nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.

Tự bao giờ câu ca xưa gợi nhớ về những miền đất với những làng nghề nổi tiếng. Ai cũng biết gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã nhưng chưa hẳn đã biết về làng tre trúc Thu Hồng - một làng nghề yên tĩnh, êm đềm bên con sông Cà Lồ uốn lượn.

Làng Thu Hồng xưa nay là thôn Thu Thủy thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, nằm ven sông Cà Lồ chảy ra sông Cầu tại ngã ba Xà, có Quốc lộ 16 chạy qua. Là một làng ven sông, Thu Hồng ẩn mình dưới bụi tre trúc, mang nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.

Với địa thế ấy, dân làng sống bám theo sông Cà Lồ, đóng bè kéo vó kiếm kế sinh nhai. Trước kia, hàng trăm hộ dân làm nghề tre trúc ngôi làng nhỏ bé trở nên sôi động với âm thanh của tiếng cưa, tiếng đục đẽo…

Tương truyền, xưa kia có hai anh em là Trương Hống, Trương Hát đều là vị tướng tài của Việt vương Triệu Quang Phục. Khi sinh thời, hai vị theo giúp Triệu Việt Vương lập được nhiều chiến công lừng lẫy, đã tuẫn tiết trên dòng sông Như Nguyệt để tỏ lòng trung nghĩa.

Để tưởng nhớ công lao của nhị vị tướng quân, dân ở các làng ven sông lập đền thờ. Đến thời vua Lê Hiển Tông có sắc phong cho làng Thu Hồng thờ hai vị tướng tài làm thành hoàng làng. Hàng năm vào ngày 12 tháng chín âm lịch, dân làng Thu Hồng lại mở hội, rước kiệu, tế lễ.

Ngày ấy, làng ở ven đê chỉ quanh năm chiêm khê mùa thối, chẳng có gì để xây dựng đình thờ thành hoàng làng. Xung quanh làng khi đó chỉ có tre và trúc nên dân làng đã làm đình thờ thành hoàng bằng thứ nguyên liệu sẵn có này.

Trải qua bao năm, dần dần người ta làm mọi vật dụng trong nhà đều bằng tre trúc từ cái rổ, rá, thúng… đến cái bàn, ghế, trường kỉ, giường tre, chõng tre. Ban đầu, các sản phẩm này chỉ mang tính phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình chứ chưa được coi là một thứ hàng hóa. 

Tuy nhiên, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân Thu Hồng, những sản phẩm làm từ tre trúc ấy được dân khắp nơi ưa chuộng, trở thành hàng hóa lúc nào không hay. Tre, trúc trong làng không đủ, người dân phải chuyển tre trúc ở vùng khác về.

Để tạo được một sản phẩm tre trúc hoàn hảo, người thợ rất khéo léo, có con mắt thẩm mĩ. Công đoạn tìm nguyên liệu phù hợp cũng rất công phu. Muốn tìm tre đẹp, người ta phải mua ở Hải Dương, Bắc Kạn, hay vào các làng mua tre bối chặt về, tận dụng cả cây làm những sản phẩm khác nhau. 

Với cây tre, người thợ lấy thân tre làm chân giường, chõng, ghế, tay tre làm đồ mỹ nghệ, chữ Nho, trang trí ghế, nan chõng, nan giường tre, gốc tre làm tượng ông Phúc, Lộc, Thọ…

Cùng với bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, chăm chỉ, sản phẩm của các nghệ nhân làng tuy giản dị nhưng chắc, bền và đẹp. Dân làng học nghề rất sáng dạ. Dường như sự khéo léo, tỉ mỉ đã ăn sâu vào bên trong người dân Thu Hồng, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Làng sống bằng nghề, phụ nữ cũng làm nghề. Bởi vậy, cái tên Thu Hồng đã nổi tiếng, sánh ngang với gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Vì thế, nơi đây vẫn lưu truyền câu ca: “Gỗ thợ Me, tre thợ Hồng.”

Quả thực, người thợ làng tre trúc Thu Hồng có những ngón nghề không ai bắt chước được. Họ đục tre bằng tay vừa bén, vừa chắc không thể vỡ. Bí quyết làm nghề của người Thu Hồng không có nơi đâu bì được. Một cây tre rất cong, người thợ có thể “lấy mực” mà không cần phải dây.

Kỹ thuật đục, các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, bén chắc mà không vỡ mối đục. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời làm nghề truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề. Trong kháng chiến, nhà tranh tre vách nứa Thu Hồng theo chân các chiến sĩ ở mọi chiến trường.

Cũng như bao làng nghề khác ở đất Thăng Long, với hơn 300 năm tồn tại, làng nghề tre trúc Thu Hồng đã trải qua bao thăng trầm. Có thời gian tưởng như nghề sẽ dần mai một, nhất là từ khi làng gọi tên Thu Thủy. 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hàng hóa trở nên phong phú nhiều chủng loại, nhiều chất liệu, hàng từ Trung Quốc sang rẻ, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, dân làng cũng chuyển đổi các xưởng sản xuất đồ tre trúc sang các nghề khác dễ kiếm tiền hơn như buôn bán phế liệu, đúc xoong nồi…

Mỗi làng quê Bắc Bộ đểu ẩn mình sau lũy tre làng. Tre trúc rất đỗi gần gũi thân quen. Người ta vẫn không thể gạt sản phẩm từ tre ra khỏi cuộc sống. Với nét giản dị, mộc mạc, dân dã mang tính truyền thống, sản phẩm tre trúc của làng Thu Hồng xưa giờ đây lại sống dậy, hòa mình vào cuộc sống nhộn nhịp phố phường, hay yên bình nơi thôn dã. 

Người thợ trong làng năng động, mải miết tạo những nét quê, nét truyền thống cho mỗi sản phẩm. Ngoài sản phẩm truyền thống, họ còn làm những sản phẩm với quy mô lớn hơn như nhà ở, các công trình kiến trúc.

Với chính sách khôi phục các làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước, đã có bao làng nghề bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Tre trúc Thu Hồng cũng vậy. 

Giờ đây, vào làng vẫn thấy các nghệ nhân làng say sưa đục đẽo trên thân tre mảnh dẻ, dẻo dai. Lòng tâm huyết với nghề là sức mạnh để duy trì và phát triển một làng nghề truyền thống./.
 

 

Bình luận của bạn