Nem chua An Thọ
Không chỉ nổi tiếng là vùng rau sạch truyền thống, xã An Thọ (huyện An Lão) lâu nay trở thành địa chỉ quen thuộc về món mua nem chua, - thứ nem khác hẳn với sản phẩm tương tự ở các nơi khác.
Không chỉ nổi tiếng là vùng rau sạch truyền thống, xã An Thọ (huyện An Lão) lâu nay trở thành địa chỉ quen thuộc về món mua nem chua, - thứ nem khác hẳn với sản phẩm tương tự ở các nơi khác.
Không biết từ bao giờ, nông dân ở xã An Thọ tạo ra bí quyết riêng để làm món ăn dân dã quen thuộc nhưng hấp dẫn: nem chua. Ông Lê Văn Chiến, ở thôn Độc Lập cho biết nem chua được nhiều người dân địa phương chế biến, trở thành món ăn quen thuộc vào dịp đám xá, lễ, Tết”.
Theo ông Chiến, nem chua An Thọ khác biệt với nem chua Thanh Hóa nổi tiếng ở chỗ khi bỏ nem chua ra ăn, nem An Thọ tơi phần thịt và bì, chứ không nhuyễn thành thể thống nhất như nem Thanh Hóa. Khi ăn nem chua An Thọ, cần vắt thêm chanh và cho thêm tỏi. Cách gói nem chua An Thọ cũng khác hẳn với nem chua Thanh Hóa. Sau khi đong đủ định lượng thịt và bì, nem chua được gói bằng lớp vỏ lá chuối bên trong và bên ngoài là lớp giấy, giống như chiếc giò nhỏ, trong khi nem chua Thanh Hóa gói thành quả nhỏ, vỏ ngoài vẫn bọc lá chuối.
Một số người địa phương nhớ lại, thời cha ông họ đã bắt đầu có tục làm nem chua cho bữa ăn gia đình. Nem chua ngày xưa được gói cầu kỳ hơn. Thay vì lá chuối và giấy như hiện nay, vỏ ngoài của nem được bó bằng rơm nếp, nem lên men ngon và có vị thơm hơn. Vào dịp Tết, nhà nào cũng làm vài cái nem chua treo trong nhà để ăn Tết. Một số gia đình còn làm nem để biếu, tặng người thân ở xa quê. Các đám hiếu, hỷ ở xã An Thọ bao giờ cũng không thể thiếu món nem chua do người dân địa phương tự làm. Khách đến xã An Thọ được thưởng thức đặc sản nem chua của quê hương, khó thể quên được hương vị chua, ngọt, thơm, mát và dậy mùi gia vị. Càng hấp dẫn hơn khi nem chua được ăn kèm với rau gia vị trồng ở vùng rau truyền thống này.
Đến mở rộng sản xuất hàng hóa
Từ chỗ làm nem chua chỉ “tự sản tự tiêu”, 5 năm trở lại đây, nhiều người dân An Thọ phát triển món ăn truyền thống quê hương thành đặc sản hàng hóa. Dọc theo con đường chính vào xã, có khá nhiều biển quảng cáo cơ sở sản xuất nem chua truyền thống. Người thích nem chua An Thọ dễ dàng tìm đến đặt mua. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nem chua địa phương còn cung ứng sản phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, một số siêu thị trên địa bàn thành phố. Ngoài sản xuất nhỏ, lẻ, một số gia đình còn đăng ký thương hiệu. Theo Phó chủ tịch UBND xã An Thọ Lê Đình Hạ, hiện địa phương có hơn 30 cơ sở sản xuất nem chua rải rác trong xã, nhiều nhất là ở các thôn Đại, Đông
Cơ sở sản xuất nem Hoàng Chiến ở thôn Đại là một trong những cơ sở khá uy tín, chất lượng ở địa bàn xã, thường xuyên có 5-6 người lao động sản xuất hàng cung ứng cho thị trường. Chị Nguyễn Thị Lành, chủ cơ sở cho biết: “Dịp hè và Tết, lượng nem chua tiêu thụ lớn nên chúng tôi phải tăng năng xuất mới kịp giao hàng cho khách”. Theo chị Lành, trước đây hầu hết các công đoạn sản xuất nem chua đều làm thủ công, gần đây do nhu cầu tăng mạnh nên gia đình đầu tư thêm một số máy móc hỗ trợ. Loại máy hỗ trợ đắc lực nhất cho các hộ sản xuất nem chua là máy thái bì.
Do sản xuất mặt hàng tươi sống nên khâu an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm được các cơ sở sản xuất quan tâm. Một số cơ sở sản xuất lớn đăng ký thương hiệu và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ cũng cam kết sản xuất an toàn. Một số hộ sản xuất cho rằng, sản xuất nem chua có đặc thù riêng, nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nem sẽ bị hỏng, không sử dụng được. Ông Hoàng Văn Hiển, chủ một cơ sở sản xuất nem chua có tiếng ở xã An Thọ cho biết: “Để làm nem chua, phải lựa chọn loại thịt nạc mông hoặc nạc vai tươi, ngon từ lợn vừa giết mổ; bì phải luộc, làm sạch thì mới gói được nem. Loại thịt lợn được đặt mua để làm nem có nguồn gốc rõ ràng do nông dân địa phương sản xuất”. Anh Lê Văn Chiến ở thôn Độc Lập cho rằng: “Người tiêu dùng hiện nay rất khó tính, nếu không sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng và có bí quyết để nem luôn tươi, ngon, chắc chắn nem chua An Thọ không thể có tiếng trên thị trường như hiện nay”. Anh Chiến chia sẻ, ngoài lựa chọn nguyên liệu tốt, nem chua An Thọ ngon còn bởi khéo gói. Nem gói lỏng hay quá chặt đều ảnh hưởng đến chất lượng, khó lên men chua.
Người An Thọ tự hào về sản phẩm truyền thống của quê hương nay trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Nhờ đặc sản truyền thống này, một số người dân địa phương phát triển sản xuất hàng hóa đem lại thu nhập khá. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, sản phẩm của quê hương còn được nhiều người đến đặt mua gửi đi các địa phương và sang nước ngoài làm quà biếu...
VnCharm
(BHP)